LÀM SAO BIẾT THỰC PHẨM NÀO GÂY DỊ ỨNG?
Emily Main
Gần như tất cả trường học hiện thời đều có những món ăn không đậu phụng dành cho những em học sinh bị dị ứng với loại đậu này, điều đó trở thành một sự bắt buộc trong những dịp trẻ em tụ họp với nhau, và cả trong những buổi tiệc sinh nhật bao gồm nhiều lựa chọn cho trẻ em trước những dị ứng với bơ sữa. Đó cũng là một bằng chứng cho thấy, các trường hợp dị ứng thức ăn ngày càng tăng vọt.
Những bằng chứng khoa học cũng cho thấy như thế. Một nghiên cứu gần đây được đăng trong the Journal of Allergy and Clinical Immunology – tạp chí Miễn dịch học lâm sang và Dị ứng cho biết, chỉ riêng các trường hợp dị ứng với đậu phụng không thôi đã gia tăng gấp 3 lần, so với thập niên trước.
Nhưng lại có một nghiên cứu được đăng trong một tạp chí nặng ký khác là the Journal of the American Medical Association - tạp chí Hiệp Hội Y khoa Hoa Kỳ cho rằng, có thể có một điều gì khác đang xẩy ra. Một cách cụ thể, nhiều trường hợp dị ứng có thể đơn giản chỉ là hệ quả của một sự lẫn lộn, dựa trên cách định nghĩa một trường hợp dị ứng, làm sao để xét nghiệm, và làm sao để trị liệu. Nữ Bác sĩ Jennifer Schneider, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, và cũng là một thành viên của Stanford University và của the VA Palo Alto Healthcare System nhận xét: “Các trường hợp dị ứng thực phẩm biến hóa trong mọi lúc, không có một xét nghiệm lâm sàng nào được chấp nhận một cách rộng rãi trong việc chẩn đoán. Và trong vai trò là những chuyên gia y tế, chúng ta vẫn chưa thể nói một cách dứt khoát rằng Dị ứng thực phẩm là gì”.
Làm sao biết một bữa ăn tối có thể tai hại?
Cuộc nghiên cứu đã duyệt xét lại các tài liệu hiện có đang được phổ biến, các phương pháp chẩn đoán, cách quản lý cũng như cách phòng ngừa dị ứng thực phẩm. Các giới chức nghiên cứu đã phân tích kết quả khảo sát của 72 trường hợp dị ứng sữa bò, trứng, đậu phụng, các loại hạt, cá, và các loại seafood như nghêu, sò, ốc, tôm, cua…, để từ đó, đã phát hiện ra nhiều điều thú vị.
Điều quan trọng nhất, là dường như chưa có một cách thức chẩn đoán riêng rẽ nào được chấp nhận. Một vài nghiên cứu đã xử dụng những báo cáo tự ý (các tác giả ghi chú rằng, các trường hợp dị ứng luôn luôn cao hơn khi xử dụng phương pháp này). Vài tác giả xử dụng phương pháp xét nghiệm Da, và cũng còn một số tác giả khác dùng xét nghiệm máu để đo lường lượng immunoglobulin E (gọi tắt là IgE), một kháng thể được sinh ra trong lúc xẩy ra Dị ứng.
Rất ít xét nghiệm dựa trên “phương pháp ăn thử món ăn”, một loại xét nghiệm lâm sàng mà nhờ đó, tình trạng của bệnh nhân được phơi bày ngay với chính loại thực phẩm bị nghi ngờ, và từ đó, có thể theo dõi các diễn biến của Dị ứng.
Chính vì thiếu sự chẩn đoán đồng bộ này, các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, mặc dù các trường hợp dị ứng thực phẩm đang thực sự gia tăng. Vài nghiên cứu cho rằng, từ 1% cho đến 2% dân số đang phải gánh chịu, trong khi các tác giả khác lại nâng con số này lên đến 10%.
Cuối cùng là, các chuyên gia Y tế tin rằng, sự thiếu vắng một phương pháp chẩn đoán đồng bộ, cũng như một định nghĩa thế nào là Dị ứng thực phẩm, đã dẫn đến một kết quả chẩn đoán quá mức về tình trạng thực sự của bệnh nhân.
Vài khảo cứu khác cho thấy, những ai có triệu chứng dị ứng thực phẩm (ví dụ như da nổi mẩn đỏ, nổi mụn, hay đau bụng), khi làm xét nghiệm bằng phương pháp sinh thiết Da, hay xét nghiệm lượng IgE trong máu, lại chỉ có dưới 50% cơ hội bị Dị ứng thực phẩm mà thôi, vốn từng là một kết luận dẫn đến sự kiêng cữ thức ăn không cần thiết, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Và cũng có thể gây ra cảm giác bất an, đặt con người vào thế khó xử, lúng túng trong quan hệ xã hội một cách không cần thiết.
Hơn nữa, Bác sĩ Schneider cũng cho rằng, đa số quần chúng thường không để ý đến vấn đề dị ứng thực phẩm, bởi vì không phân biệt được, thế nào là một “món ăn gây dị ứng”, và thế nào là “món ăn không thể ăn nổi”. Theo bà, dị ứng thực phẩm trầm trọng hơn nhiều, vì gây ra một chuỗi phản ứng nghiêm trọng của hệ miễn nhiễm, trong khi đó, những “thực phẩm không thể ăn nổi” lại không gây một tổn hại nào cho sức khỏe.
Sự khác biệt giữa “thực phẩm gây dị ứng” và “thực phẩm không thể ăn nổi”
Bác sĩ Jacqueline Pongracic, trưởng khu Dị ứng và Miễn Nhiễm thuộc bệnh viện Nhi đồng Children's Memorial Hospital tại Chicago phát biểu rằng: “Thực phẩm không thể ăn nổi, không gây ra những triệu chứng đe dọa mạng sống. Với loại thực phẩm này, mức độ của các triệu chứng tiêu biểu lại tùy thuộc vào việc quí vị ăn nhiều hay ít”. Ví dụ như: Một lượng nhỏ ice cream, có thể không làm chúng ta đau bụng, dù chúng ta là người không chịu được đường sữa. Nhưng nếu chúng ta là người bị dị ứng thực sự với sữa, chỉ cần một chút thôi cũng đủ gây những phản ứng tức thời như thở khò khè, nổi mẩn đỏ trên da, thậm chí là những phản ứng trầm trọng hơn.
Về vấn đề “không thể ăn nổi một thực phẩm”, không phải lúc nào cũng thế. Trong khi đó, việc bị dị ứng vì một loại thực phẩm lúc nào cũng xẩy ra. Bác sĩ Pongracic cho biết: “Với những loại thực phẩm này, mỗi khi ăn phải, quí vị đều bị phản ứng”. Và bà đề nghị như sau: “Nếu quí vị nghi ngờ chính mình hoặc con trẻ bị dị ứng thức ăn, hãy để ý theo dõi xem, các phản ứng đó có xẩy ra sau mỗi lần quí vị ăn loại thức ăn đó hay không, trước khi tìm đến bác sĩ.”
Bác sĩ Pongracic nói tiếp: “Rất nhiều tình huống có thể xẩy ra, nếu như một người nào đó ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau cùng một lúc, việc này sẽ gây khó khăn cho việc xác định món ăn nào là thủ phạm gây ra dị ứng. Tất nhiên, nếu phản ứng trở nên nghiêm trọng, tôi sẽ đề nghị quí vị hãy có một sự lượng định y khoa để tìm hiểu đâu là nguyên nhân”.
Cân nhắc việc ăn thử món ăn
Bác sĩ Pongracic đồng ý với những phát hiện của cuộc nghiên cứu rằng, các bác sĩ cần đi tới một sự thống nhất nào đó trong việc định nghĩa và chẩn đoán Dị ứng thực phẩm. Và cũng như các chuyên gia, bà tin rằng có một tiêu chuẩn Vàng, mẫu mực nhất trong việc chẩn đoán là hãy ăn thử các món ăn. Bà nhận định: "Việc cho bệnh nhân ăn thử một món ăn, sẽ giúp ích rất nhiều, nhất là khi chúng ta không biết một cách rõ ràng, người đó bị dị ứng, hay chỉ vì không thể ăn nổi món ăn đó.”
Về việc thử món ăn, Bác sĩ Pongracic nói: “Một bác sĩ chuyên khoa dị ứng sẽ yêu cầu cha mẹ hay chính bệnh nhân chuẩn bị một món ăn được cho là gây ra dị ứng, rồi đem đến phòng mạch. Nơi đây, bác sĩ hay y tá sẽ cho bệnh nhân ăn từ từ, trong khi theo dõi các triệu chứng, đồng thời chuẩn bị thuốc men cấp cứu trong trường hợp các phản ứng có thể xẩy ra.
Cuộc xét nghiệm này có thể kéo dài đến nửa ngày, và không phải lúc nào cũng thích hợp cho mọi bác sĩ, vì thời lượng đòi hỏi của xét nghiệm, sự tập trung theo dõi của mọi người, chi phí tốn kém, và kể cả những rủi ro có thể xẩy ra. Nhưng điều này xứng đáng, nếu như quí vị muốn biết mình thực sự bị dị ứng với thực phẩm nào.
Đừng xem nhẹ các xét nghiệm khác.
Bác sĩ Pongracic cho biết: “Mặc dù phương pháp thử món ăn là một tiêu chuẩn Vàng, chúng ta cũng không thể chỉ dựa vào một phương pháp mà thôi. Có rất nhiều kết quả dương tính Sai xẩy ra, khi người ta chỉ dựa vào một loại xét nghiệm duy nhất. Lần đầu tiên đến phòng mạch để khám, một bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể sẽ làm sinh thiết Da, hoặc làm xét nghiệm máu IgE. Nhưng những gì xẩy ra sau đó mới là quan trọng. Những kết quả xét nghiệm âm tính thì rất đáng tin cậy. Nếu kết quả là dương tính, bác sĩ Pongracic đề nghị quí vị hãy yêu cầu vị bác sĩ xác định kết quả xét nghiệm trên, bằng phương pháp ăn thử món ăn. Nếu bác sĩ đó từ chối và không đưa ra một lý do chính đáng, có lẽ quí vị nên tìm đến một bác sĩ khác để xin một ý kiến chuyên môn thứ nhì.
Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
lược dịch