BÀN TAY NÓI GÌ VỀ SỨC KHỎE ?


Lucy Danziger


Cơ thể chúng ta rất thông minh, luôn gửi ra ngoài những tín hiệu báo động mỗi khi sức khỏe có vấn đề, như một cơn sốt khi có nhiễm trùng, hoặc da bị nổi ban ngứa khi bị dị ứng chẳng hạn.
Nhưng cũng có đôi khi, những tín hiệu trên lại tạo ra một sự hiểu lầm, hoặc không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua, ngay cả khi chúng hiện ra ở một nơi mà chúng ta thường nhìn đến nhiều nhất mỗi ngày: đó là bàn tay !
Quí vị có biết rằng, chiều dài của các ngón tay, tình trạng của móng tay, và ngay cả sắc thái của bàn tay cũng có thể giúp chúng ta tiên đoán được trong tương lai, sức khỏe của chúng ta thế nào ? Hãy lưu ý đến những dấu hiệu trên bàn tay, và nếu có thể nhận ra được điều gì, quí vị hãy gặp các bác sĩ ngay nhé.

1/ Các ngón tay bị sưng lên:
Chúng ta đều biết rằng, những thực phẩm ăn dặm (snack) quá mặn, và hội chứng tiền mãn kinh đều làm tay chân sưng húp lên. Nhưng nếu như quí vị không ăn món gì mặn, hoặc chưa đến thời kỳ mãn kinh, mà ngón tay đeo nhẫn vẫn không vừa như trước, thì triệu chứng sưng trên có thể là do bệnh Thiểu năng Tuyến giáp (Hypothyroidism), nguyên nhân do tuyến giáp không cung cấp đủ các hormons cần thiết để hỗ trợ chức năng chuyển hóa (metabolism) cũng như giúp cơ thể hoạt động điều hòa. Những rối loạn của tuyến giáp có thể làm chức năng chuyển hóa trở nên trì trệ, làm lên cân, và làm nước ứ đọng trong cơ thể.
Bác sĩ Jenny Kim, cũng là một giáo sư chuyên về Da, tại Đại học UCLA cho biết như trên. Bệnh Thiểu năng Tuyến giáp (Hypothyroidism) nếu không được điều trị sẽ gây mệt mỏi suy nhược, và trong trường hợp nặng, có thể dẫn đến trụy Tim. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể cho biết ngay, nếu như tuyến giáp hoạt động yếu hơn trước, và bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc viên hormone tổng hợp, để từ đó, các ngón tay sẽ trở lại bình thường

2/ Hai bàn tay bị đỏ:
Bàn tay bị nóng đỏ, và ngứa, có thể là dấu hiệu của bệnh eczema – bệnh chàm, một bệnh da mãn tính, thường sẽ nặng hơn nếu như người bệnh bị căng thẳng quá mức. Để giảm bớt sự ngứa ngáy khó chịu, chúng ta hãy tránh dùng các loại xà phòng rửa tay có nhiều hóa chất, hãy mang găng tay khi lau chùi hoặc làm vườn. Nếu vẫn không thấy kết quả, quí vị cũng nên để ý đến các nguyên nhân khác là: Mầu đỏ trên bàn tay có thể do dị ứng với chất nickel trên đồ trang sức, các sản phẩm nhiều hóa chất, hoặc dị ứng với thuốc trụ sinh. Tuy vậy, các dấu hiệu dị ứng cũng có thể hiện ra ở những nơi khác trên cơ thể, thay vì ở hai bàn tay. Bác sĩ Kim cho biết, những loại dị ứng kể trên chỉ gây khó chịu nhưng không gây nguy hại, tuy nhiên, bác sĩ của quí vị có thể làm một xét nghiệm ngoài da (a patch test) và chỉ định loại thực phẩm nào nên tránh không ăn.
Một trường hợp ngoại lệ, nếu quí vị phụ nữ nào đang mang thai, đừng lo sợ khi thấy bàn tay mình đỏ lên. Vì trong lúc mang thai, lượng máu lưu thông tăng lên trên toàn cơ thể, làm da bị đỏ lên. Hiện tượng này xẩy ra hơn 50% phụ nữ mang thai.

3/ Móng tay bị trắng bệt:
Móng tay chúng ta thường trở nên trắng bệt khi bị ấn xuống và trở lại mầu hồng khi chúng ta nhả ra. Bác sĩ Anthony Martinez, thuộc Đại học Y khoa UCSD (University of California in San Diego) cho biết: “Nhưng nếu ngón tay quí vị vẫn có mầu trắng, từ môt hoặc hai phút, có thể đó là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, hoặc thiếu chất sắt. Thiếu chất sắt sẽ dẫn đến tình trạng kiệt sức, và nếu nặng hơn, có thể sẽ mắc phải bệnh Tim.
Để tránh bị suy nhược, hãy ăn nhiều thực phẩm giầu chất sắt như thịt nạc, rau spinach và nhiều loại rau có mầu xanh đậm, các loại hạt như hạt hạnh nhân hạt bí đỏ - pumpkin, các thực phẩm có nhiều vitamin C để trợ giúp cho việc hấp thụ chất sắt.

4/ Các ngón tay bị tê, và tái xanh:
Những ngón tay có sắc độ xanh, thường là dấu hiệu của bệnh Raynaud’s disease, một sự co thắt tạm thời của mạch máu, hạn chế giòng máu lưu thông đến ngón tay do đó cũng làm tê ngón tay, thường xẩy ra với tỉ lệ từ 5 % đến 10 % cho tất cả mọi người. Theo bác sĩ Martinez: “Các triệu chứng này thường thấy ở phụ nữ, do nhiệt độ lạnh hay do căng thẳng. Bệnh Raynaud’s là bệnh mãn tính, nhưng không phải là một mối lo lớn, trừ khi triệu chứng tê kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, đó là một tín hiệu nguy hiểm.”
Hãy giúp cho máu hoạt động bình thường, bằng cách bỏ thuốc lá, bớt cà phê, và tập thể dục thể thao thường xuyên.

5/ Móng tay mất màu sắc:
Móng tay mất màu thường là do Nấm, và cũng có thể đó là tín hiệu cần chú ý của bệnh Tiểu đường. Bênh Tiểu đường có thể làm hệ thống mạch máu bị tổn thương. Hãy lưu ý các móng tay có mầu vàng đậm, mất mầu hay dầy lên.

6/ Ngón tay trỏ bị ngắn:
Quí vị phụ nữ nào có ngón tay trỏ nhỏ hơn ngón tay đeo nhẫn, có thể sẽ có nguy cơ bị viêm Khớp Xương - osteoarthritis và một hội chứng được gọi là “polycystic ovarian syndrome”, một tình trạng mất quân bình hormonal có thể gây ra sự hiếm muộn, đồng thời có nguy cơ thấp của bệnh Tim Mạch. Tiến sĩ John Manning, tác giả quyển “The Finger Ratio”, tạm dịch là “Tỉ lệ của các ngón tay” cho biết: “Càng có nhiều nội tiết tố testosterone trong tử cung, một nội tiết tố liên quan đến bệnh hiếm muộn và bệnh Tim mạch, sẽ khiến cho ngón tay đeo nhẫn của chúng ta dài hơn.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
lược dịch