18 DẤU HIỆU BÁO ĐỘNG Ở ĐÔI BÀN CHÂN.


Paula Spencer


Chỉ cần 10 giây đồng hồ thôi, quí vị có thể biết được tình trạng sức khỏe của mình qua đôi chân. “Thật vậy, bằng cách tự khám đôi bàn chân, quí vị có thể biết được, từ bệnh Tiểu đường, cho đến tình trạng suy dinh dưỡng của cơ thể”. Bác sĩ Jane Andersen, Chủ tịch Hiệp hội Nữ bác sĩ Bàn chân Hoa Kỳ, (the American Association of Women Podiatrists) và cũng là phát ngôn viên của Hiệp hội Y khoa Bàn chân Hoa Kỳ cho biết như trên.
Nhìn xuống hai bàn chân trái và phải, chúng ta có thể thấy thật rõ ràng rất nhiều dữ kiện: đó là nơi chứa đựng ¼ số lượng xương của toàn cơ thể. Mỗi bàn chân bao gồm 33 khớp xương, 100 sợi gân, cơ bắp và các dây chằng, đồng thời vô số dây thần kinh, và mạch máu liên quan với Tim, cột sống, và Não bộ.
Những vấn đề của đôi bàn chân, nếu không được giải quyết, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Bàn chân đau, nếu không được trị liệu kịp thời, có thể sẽ khiến bệnh nhân bị tăng hay giảm trọng lượng cơ thể, hoặc bị mất cân bằng một cách bất bình thường, khiến dễ bị té ngã và gẫy xương.
Vì thế, quí vị hãy lưu ý, khi bàn chân có những dấu hiệu sau đây, vì tất cả đều mang một ý nghĩa nào đó:

1/ Dấu hiệu báo động thứ 1:
Móng chân hơi bị lõm, hoặc có hình dáng như chiếc muỗng.
Đó là triệu chứng thiếu máu, do thiếu chất sắt (iron deficiency), thường biểu hiện qua móng chân có hình lòng chảo, hay hình chiếc muỗng, nhất là trong những trường hợp từ hơi nặng cho đến mức trầm trọng. Đó là vì cơ thể không đủ hemoglobin, một loại protein giầu chất sắt trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxygen. Chẩy máu từ bên trong, (có thể do một ulcer – nơi ung loét) hoặc kinh nguyệt quá nhiều có thể đưa đến tình trạng thiếu máu trên.
Ngón tay và ngón chân, da và móng đều tái xanh. Móng tay, móng chân có thể bị dòn, và bàn chân có thể bị lạnh. Móng dễ bị gẫy là triệu chứng chính của bệnh thiếu máu, kèm với hơi thở ngắn, chóng mặt khi đứng lên, và người bệnh cũng bị nhức đầu nữa. Một xét nghiệm máu toàn thể (CBC - complete blood count) thường được xử dụng để chẩn đoán bệnh thiếu máu. Đồng thời một cuộc khám nghiệm cũng có thể tìm ra được nguyên nhân. Trị liệu bước đầu bao gồm thuốc bổ có chất sắt, và việc ăn uống cũng cần bổ sung các loại thực phẩm giầu chất sắt, và vit. C. Vì vit. C sẽ giúp chất sắt mau được hấp thụ vào cơ thể.

2/ Dấu hiệu báo động thứ 2: Bàn chân hay ngón chân bị rụng lông.
Đó là dấu hiệu tuần hoàn máu bị suy giảm, thường do bệnh về mạch máu gây ra, khiến lông ở chân bị rụng đi. Một khi Tim mất khả năng bơm máu về tứ chi, do mạch máu bị xơ cứng (arteriosclerosis), cơ thể sẽ dành ưu tiên đưa máu về các nơi khác.
Sự giảm thiểu lượng máu cung cấp khiến chúng ta không thể cảm nhận được mạch máu nhẩy ở bàn chân, (mạch này nằm ở phía trên bàn chân, ngay cạnh mắt cá trong). Khi quí vị đứng, bàn chân có thể có mầu hơi đỏ tươi, hoặc mầu hơi tối, và khi được nhấc lên, bàn chân sẽ chuyển sang màu tái xanh ngay lập tức. Trong khi đó thì Da có thể bị sáng bóng lên. Những ai bị kém tuần hoàn thường tự biết mình đang có vấn đề Tim Mạch, (như bệnh Tim hay bệnh động mạch cảnh - carotid artery), nhưng không hẳn đã biết mình đang bị rối loạn tuần hoàn ở bàn chân.
Trị liệu các vấn đề mạch máu có thể cứu vãn được tình trạng. Tuy nhiên, lông ngón chân hiếm khi mọc được trở lại.

3/ Dấu hiệu báo động thứ 3: Bàn chân hay bị vọp bẻ.
Bất thình lình bị đau nhói ở bàn chân, căn bản là do các bắp thịt co duỗi khó khăn, thường vì những nguyên nhân vừa xảy ra như vừa tập thể dục thể thao xong, hay do cơ thể thiếu nước. Nhưng nếu tình trạng này xẩy ra thường xuyên, có thể là do quí vị thiếu lượng calcium, potassium và magnesium cần thiết trong thực phẩm hàng ngày. Khi bị vọp bẻ, quí vị hãy cố co bàn chân lại và massage vùng đau. Quí vị cũng có thể làm thư giãn cơ bắp bằng cách đắp một túi nước đá, hay thoa alcohol lên vùng đau. Để đề phòng vọp bẻ, quí vị hãy duỗi thẳng chân trước khi lên giường ngủ, và uống một ly nước hay một ly sữa ấm để tăng cường lượng calcium cần thiết cho cơ thể.

4/ Dấu hiệu báo động thứ 4:
Một chỗ đau nhức lâu ngày không khỏi dưới bàn chân.
Đây là một triệu chứng then chốt của bệnh tiểu đường. Lượng đường huyết gia tăng làm tổn thương thần kinh bàn chân như những vết trầy sướt nhỏ, một vết cắt, hoặc cảm giác phỏng rát gây ra do sự đè nén hay sự cọ xát, đến và đi lúc nào không biết, nhất là đối với những ai không biết là mình đang có bệnh. Không điều trị đúng mức, những vết lở loét trên có thể dẫn đến nhiễm trùng, thậm chí phải cưa chân. Sự mưng mủ, hay những vết đứt có mùi tanh hôi thường dẫn đến sự nghi ngờ vì có lẽ chúng đã xuất hiện một thời gian. Những triệu chứng khác của Tiểu đường bao gồm khát nước dai dẳng, tiểu tiện thường xuyên, càng ngày càng mệt mỏi, hoa mắt, rất đói bụng, và sút cân.
Nếu có những triệu chứng kể trên, chúng ta cần trị vết lở loét ngay lập tức, và cần gặp bác sĩ để khám về bệnh tiểu đường. Người bị bệnh tiểu đường cần khám bàn chân mình mỗi ngày, người cao tuổi, hay người bị bệnh béo phì cần nhờ người khác khám cho mình), và nhất là cần khám chuyên khoa mỗi 3 tháng.

5/ Dấu hiệu báo động thứ 5: Bàn chân lạnh.
Đặc biệt là người phụ nữ, thường than phiền bàn chân bị lạnh, hoặc chính xác hơn, kẻ than phiền là những ai cùng ngủ chung giường với họ. Có thể là không có vấn đề gì, nhưng cũng có thể là vấn đề của bệnh thyroid. Người phụ nữ nào trên 40 tuổi bị lạnh bàn chân, thường là do bị bệnh Thiểu năng tuyến giáp (hypothyroidism), đó là một tuyến nội tiết phụ trách sự điều hòa thân nhiệt, và sự chuyển hóa. Tuy nhiên, sự tuần hoàn bị giảm thiểu cũng có thể là một nguyên nhân khác khiến bàn chân bị lạnh. Các triệu chứng của bệnh Hypothyroidism's (Thiểu năng tuyến giáp) thật không dễ dàng phát hiện, bên cạnh đó, người bệnh còn cảm thấy dễ mệt mỏi, trầm cảm, lên cân và da bị khô.
Những đôi vớ len dầy, hay những đôi giầy boot được may bằng các loại da nhăn nhúm, là những vật giữ ấm tốt nhất. Nếu đồng thời, quí vị có những than phiền khác về sức khỏe, hãy lưu ý bác sĩ về đôi bàn chân lạnh của mình.

6/ Dấu hiệu báo động thứ 6: Móng chân bị xấu xí, dầy lên và bị vàng.
Triệu chứng này có nghĩa là một sự nhiễm trùng do nấm gây ra, đã lan xuống mặt dưới của móng chân. Onychomycosis có thể tồn tại hàng năm trời mà không gây một cảm giác đau đớn nào. Nhưng ngay lúc mà chúng ta không chú ý đến, sự nhiễm trùng đã tiến triển và có thể sẽ lan sang các móng chân khác và thậm chí cả móng tay nữa.
Các móng chân hay tay bị nhiễm trùng nấm có thể có mùi khó chịu và ngả sang mầu tối. Dễ mắc phải chứng bệnh này là những ai bị bệnh Tiểu đường, bị suy giảm Tuần hoàn, hay bị các bệnh do suy giảm Hệ miễn dịch như Thấp khớp chẳng hạn (rheumatoid arthritis). Đối với một người cao niên bị khó khăn trong việc đi đứng, đôi khi bệnh Nấm móng chân có thể được nhận ra từ những sự kiện đơn giản như móng bị dầy lên, khó cắt và thường bị lơ là vì không thấy đau đớn gì cả.
Trong trường hợp bị Nấm móng chân hay tay, chúng ta cần gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc gia đình để được chăm sóc. Trong trường hợp nặng, các thuốc trị Nấm không cần toa bác sĩ (over-the-counter antifungals), thường không hiệu quả bằng một sự điều trị kết hợp vừa bằng thuốc thoa, vừa bằng thuốc uống. Một điều chúng ta cần lưu ý là thuốc trị Nấm thế hệ mới thường có nhiều phản ứng phụ hơn các loại thuốc trước đó.

7/ Dấu hiệu báo động thứ 7: Ngón chân cái bất thình lình sưng to.
Có thể đó là bệnh Gout, một căn bệnh xuất hiện từ lâu và hiện nay vẫn còn thấy khá nhiều, tất nhiên là quí vị không cần phải đợi qua 65 tuổi mới có. Gout là một hình thức “viêm khớp” (còn gọi là "gouty arthritis"), do quá nhiều chất uric acid tồn đọng trong cơ thể. Sự hình thành những tinh thể uric acid tương tự như những cây kim, nhất là khi nhiệt độ cơ thể xuống thấp. Những tinh thể này tập trung ở nơi lạnh nhất, và cách xa quả Tim nhất, đó là ngón cái bàn chân. Bác sĩ bàn chân Andersen cho biết: “Trong lần đầu tiên xuất hiện, có đến 75% trường hợp bệnh nhân thức dậy thấy ngón chân cái bị sưng tấy đỏ”. Sưng tấy, và da có màu đỏ bóng, hay đỏ tía, kèm theo cảm giác nóng và đau, là những triệu chứng có thể xẩy ra ở mu bàn chân, gân gót chân (Archille tendon), đầu gối, và cùi chỏ. Ai cũng có thể mắc bệnh gout, nhất là ở lứa tuổi 40 hoặc 50. Phụ nữ mắc bệnh gout thường ở giai đoạn mãn kinh.
Trong trường hợp này, quí vị cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn về thuốc men và cách ăn uống. Một chuyên gia về bàn chân có thể giúp cho quí vị giảm đau và phục hồi chức năng của bàn chân.

8/ Dấu hiệu báo động thứ 8: Tê ở hai bàn chân.
Mất cảm giác, hoặc có cảm giác như kim châm, chính là dấu hiệu bệnh của dây thần kinh ngoại biên, hoặc hệ thống thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Đó là con đường dẫn truyền các thông tin từ Não bộ, và từ cột sống đi đến mọi nơi trong cơ thể. Có nhiều nguyên nhân đưa đến bệnh thần kinh ngoại biên, nhưng hai nguyên nhân hàng đầu là Tiểu đường và nghiện rượu (hiện thời, hay từ trong quá khứ). Hóa học trị liệu cũng là một nguyên nhân thường thấy.
Cảm giác lăn tăn, hoặc phỏng rát cũng có thể xuất hiện trên bàn tay, và có thể sẽ lan dần tới cánh tay và đôi chân. Xúc giác bị giảm đi có thể giống như quí vị vừa mang một đôi vớ hoặc một đôi găng tay dầy.
Quí vị cần gặp bác sĩ nếu như đang có các triệu chứng trên, nhất là khi quí vị không là người nghiện rượu. Bệnh thần kinh ngoại biên thật khó chữa lành, nhưng các loại thuốc giảm đau, chống trầm cảm có thể chữa trị các triệu chứng trên.

9/ Dấu hiệu báo động thứ 9: Đau nhức các khớp ngón chân.
Đó là căn bệnh thấp khớp (Rheumatoid arthritis – R.A.), một loại bệnh tự miễn, gây thoái hóa khớp xương, thường cảm thấy trước tiên ở các khớp xương nhỏ, hoặc các khớp xương ngón tay. Sưng và cứng thường đi kèm với chứng đau nhức. Cảm giác đau này có khuynh hướng xẩy ra đối xứng; ví dụ, xẩy ra đồng thời ở hai ngón chân cái, hoặc hai ngón tay trỏ. Bệnh R.A. thường xẩy ra bất ngờ hơn là bệnh thoái hóa khớp, và những cơn đau có thể đến rồi lại đi. Điều đặc biệt là phái nữ có nguy cơ mắc bệnh này nhiều gấp 4 lần phái nam.
Khám nghiệm tổng quát luôn luôn là cần thiết. Đối với bệnh Thấp khớp (R.A.), có nhiều loại thuốc và vật lý trị liệu có thể giảm thiểu các cơn đau, và duy trì được chức năng. Việc chẩn đoán sớm rất quan trọng để tránh cho các khớp bị biến dạng, ví dụ như ngón chân cái có thể bị nghiêng về một phía.

10/ Dấu hiệu báo động thứ 10: Móng chân bị lõm lỗ chỗ.
Hơn 50% những người bị bệnh Psoriasis (một loại bệnh Da gọi là Vẩy Nến), có biểu hiện tại móng chân với nhiều vết lõm nhỏ, có thể sâu, và cũng có thể cạn. Và có hơn 75% những người mắc bệnh psoriatic arthritis (Viêm khớp dạng vẩy nến), những triệu chứng thể hiện ở các khớp xương, ở Da, đồng thời cũng có móng chân lõm lỗ chỗ nữa. Các móng tay và chân cũng sẽ dầy lên, có màu nâu ngả qua vàng. Khớp ngón nào sát móng tay, móng chân nhất cũng sẽ bị khô, và sưng đỏ.
Có nhiều loại thuốc có thể trị được bệnh vẩy nến và bệnh phong thấp vẩy nến, đồng thời cứu vãn lại được chân móng, nhất là khi chúng ta có được sự điều trị kịp thời.

11/ Dấu hiệu báo động thứ 11: Bàn chân không thể duỗi ngược lên.
Điều này có nghĩa là bàn chân đã bị xuội xuống, đó là dấu hiệu thần kinh hoặc cơ bắp đã bị tổn thương, bắt nguồn từ lưng, thậm chí từ vai hay cổ. Các dược liệu dùng trong Hóa học trị liệu (chemotherapy drugs) cũng có thể khiến cho phần trước của bàn chân khó nhấc lên khi bước đi hoặc đứng. Bàn chân có thể bị đau, và tê. Đôi khi, cảm giác đau lại xuất hiện ở phần trên chân, hoặc ở vùng lưng dưới, nơi mà một dây thần kinh bị đau do một cái bướu chèn ép hay do một tổn thương. Trong vài trường hợp, bàn chân phải kéo lê khi di chuyển ! Và rất hiếm khi xẩy ra cho hai bàn chân cùng một lúc !
Khi có những triệu chứng trên, quí vị cần báo ngay cho bác sĩ. Bàn chân xuội có thể được cứu vãn, hoặc bị tổn thương vĩnh viễn, là tùy theo nguyên nhân và tùy theo sự điều trị nữa.

12/ Dấu hiệu báo động thứ 12: Da chân khô và dễ bị bong từng mảng.
Mặc dù vùng mặt, hay bàn tay dễ bị khô và đôi khi, tựa như được phủ lên một lớp bột màu trắng, quí vị cũng đừng quên chăm sóc làn da ở hai bàn chân. Sự nhiễm trùng nấm thường bắt đầu với triệu chứng da bàn chân bị khô, và ngứa. Sau đó tiến tới triệu chứng sưng và nổi các mụn nước. Khi các mụn nước này vỡ ra, thì sự nhiễm nấm bắt đầu lan rộng hơn.
Bệnh ở bàn chân của các lực sĩ thể dục thể thao thường biểu hiện ở các kẽ ngón chân trước, có thể lan tới lòng bàn chân cũng như các nơi khác trong cơ thể, như dưới cánh tay, hay vùng đùi trong chẳng hạn.
Trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể tự trị liệu cho mình bằng cách thường xuyên rửa chân và lau khô. Hãy giữ cho da luôn khô ráo, bao gồm cả việc dùng bột phấn cho chân, ở trong giầy cũng như trong vớ. Nếu không thấy bớt trong vòng 2 tuần lễ, hoặc triệu chứng nặng hơn, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để có thuốc thoa ngoài da, và thuốc uống trị nấm.

13/ Dấu hiệu báo động thứ 13: Các ngón chân đổi mầu.
Vào lúc trời lạnh, bệnh Raynaud's (còn gọi là hiện tượng Raynaud's), khiến cho tứ chi chuyển sang mầu trắng, rồi ngả sang màu tái xanh, rồi đổi sang màu đỏ và sau cùng trở về sắc độ bình thường. Vì một lý do nào đó chưa rõ, mạch máu ở các vùng này bị co thắt, hoặc hoạt động quá mạnh, đưa tới hiện tượng 3 màu trên xuất hiện.
Vài vùng khác thường bị ảnh hưởng tương tự như các ngón tay, mũi, môi, và thùy tai. Những nơi này thường có cảm giác lạnh và tê. Phụ nữ sống ở những nơi khí hậu lạnh lẽo thường bị bệnh này, nhất là trong lứa tuổi từ 25 đến sau 40. Căng thẳng quá độ cũng dễ đưa tới bệnh Raynaud's nữa.
Trong trường hợp nặng, quí vị hãy gặp bác sĩ để có được các loại thuốc làm giãn mạch máu, sẽ làm giảm bớt tình trạng bệnh.

14/ Dấu hiệu báo động thứ 14: Bàn chân rất đau khi bước đi.
Những vết nứt do lực đè nén không thể chẩn đoán được là nguyên nhân thông thường dẫn tới đau bàn chân. Sụ khó chịu có thể ghi nhận được ở cạnh bàn chân, trong lòng bàn chân, hay tất cả bàn chân. Những vết nứt này, thường xuyên tái diễn, có thể phát sinh từ một vấn đề sức khỏe khác, thường là osteopenia (một sự giảm thiểu độ đậm đặc của xương thường xẩy ra ở phụ nữ quá 50 tuổi), hoặc là do suy dinh dưỡng, do thiếu vitamin D, và một trục trặc trong việc hấp thụ calcium, hoặc do sự biếng ăn.
Thông thường, quí vị vẫn có thể bước đi được trên những vết nứt của xương, dù rất đau. Do đó, vài người không biết, và cũng không được chẩn đoán là mình đã bị nứt xương trong hàng năm trời !
Vì thế, quí vị hãy gặp bác sĩ bàn chân khi gặp bất kỳ cơn đau nào. Một ví dụ, nếu như quí vị vừa đi bộ thật nhiều trong lúc đi du lịch Âu châu vài tuần lễ bằng một đôi giầy không tốt, bàn chân bị đau là chuyện bình thường. Nhưng một phụ nữ 55 tuổi bị đau bàn chân có thể cần phải làm xét nghiệm về độ đậm đặc của xương. Một xét nghiệm bằng quang tuyến X có thể sẽ phát hiện vấn đề suy dinh dưỡng, cần phải có bác sĩ chăm sóc.

15/ Dấu hiệu báo động thứ 15: Đầu ngón chân bị u lên.
Khi những đầu ngón chân bị u lên, đó là dấu hiệu của bệnh Phổi trầm trọng, bao gồm bệnh Phổi bị xơ hóa (pulmonary fibrosis), hoặc Ung thư Phổi. Bệnh Tim, và các bệnh đường ruột như bệnh Crohn's cũng có thể khiến đầu ngón chân u lên. Các ngón tay cũng có thể bị tương tự như ngón chân, ở vài đốt ngón, hay tất cả các đốt ngón tay. Sự điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng nếu gặp trường hợp này, quí vị hãy tìm đến bác sĩ ngay. Các bác sĩ có thể hướng dẫn cách nhận ra những đốt ngón bị u lên.

16/ Dấu hiệu báo động thứ 16: Đau nhói ở gót chân.
Đó là bệnh Plantar fasciitis, một cái tên hoa mỹ diễn tả việc các mô liên kết (fascia) bị sưng lên. Các mô này nằm dọc theo lòng bàn chân, đã bị căng quá độ, vượt quá sự co giãn bình thường.
Cơn đau thường khởi sự khi quí vị bước những bước đầu tiên sau khi thức dậy vào buổi sáng, và càng lúc càng đau dữ dội trong ngày. Thường thì chúng ta sẽ thấy đau ở vùng gót chân, nhưng cũng có thể cảm thấy đau ở mu bàn chân, hay vòm bàn chân. Chạy nhẩy nhiều quá có thể là một nguyên nhân. Đi chân không nhiều quá, hay mang giầy đã cũ, hoặc mang loại dép quá nhẹ (flimsy flip-flops), hoặc bị tăng trọng lượng cơ thể, hoặc đi bộ quá nhiều trên nền cứng, cũng là những nguyên nhân đau bàn chân. Nếu như cơn đau tồn tại hơn một, hay vài tuần lễ, hay ngày càng tệ hơn, chúng ta cần gặp một bác sĩ chuyên môn. Hãy mang những đôi giầy thấp, có quai cài chắc chắn qua mu bàn chân, cho đến khi được điều trị (có thể bằng thuốc chống sưng, và bằng những miếng đệm trong giầy).

17/ Dấu hiệu báo động thứ 17: Chân có mùi hôi.
Bàn chân có mùi (do chứng hyperhidrosis – mồ hôi chân quá nhiều), là một triệu chứng được để ý nhiều hơn những triệu chứng khác của bàn chân, nói thẳng ra là mùi hôi, nhưng lại rất hiếm khi được xem là một vấn đề. Bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi hơn bất kỳ một nơi nào khác trong cơ thể, khoảng nửa triệu tuyến mồ hôi ! Trong khi đó, vài người lại có khuynh hướng tiết mồ hôi nhiều hơn người khác. Cả hai phái nam và nữ đều có thể bị hôi chân, nhưng phái nam thường có mồ hôi chân nhiều hơn.
Trong trường hợp bị ra mồ hôi chân nhiều, chúng ta cần rửa chân bằng loại xà phòng sát trùng, và lau chân thật khô. Hãy thoa tinh bột bắp, hay bột chống mồ hôi vào lòng bàn chân. Luôn luôn mang vớ mới, thay vì dùng lại lần nữa. Hãy dùng những loại vớ làm từ vật liệu thiên nhiên, như hàng cotton, và mang giầy da. Chúng hút ẩm tốt hơn bất kỳ vật liệu nào khác. Hãy mở rộng dây giầy cho hơi ẩm thoát ra ngoài, và không mang lại cho đến khi nào giầy được khô ráo hẳn.

18/ Dấu hiệu báo động thứ 18: Giầy cũ.
Rất nguy hiểm! Quí vị tự chuốc cho mình nhiều nguy cơ, nếu cứ mang giầy cũ đến vài năm. Hoặc chạy bằng một đôi giầy đã được xử dụng từ 350 đến 500 miles. Giầy cũ không giúp được gì cho bàn chân, và các đôi vớ sẽ bị hư hao nhanh hơn là quí vị nghĩ. Các mụn nước, do giầy quá chật – sưng tấy ở ngón chân cái do giầy quá hẹp, gót chân đau do thiếu sự hỗ trợ cần thiết. Nếu quí vị gặp bất kỳ rắc rối nào từ bàn chân, thì có đến hơn 50% nguyên nhân vì quí vị dùng giầy kém phẩm chất, hoặc quá chật! Phần lớn người cao niên bị tổn thương đôi bàn chân, vì thói quen mang những đôi giầy cũ quen thuộc, đã bị giảm tính đàn hồi, và đế giầy cũng bị giảm độ bám nữa.
Trong trường hợp này, quí vị hãy đừng ngần ngại mua cho mình một đôi giầy mới nhé.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
lược dịch.