TRÁI ỔI – GUAVA
A/ DẪN NHẬP:
Cho đến nay, chưa ai biết được một cách chính xác cây Ổi có mặt trên trái đất từ bao giờ, nhưng có nhiều di tích cho thấy, Ổi có nguồn gốc ban đầu từ Mễ Tây Cơ hoặc các quốc gia miền Trung Mỹ, rồi từ đó lan đến các quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới khác tại Á Châu như Trung Hoa, Việt Nam, Căm Bốt, Lào, Thái Lan, Indonesia... rồi nhiều quốc gia nhiệt đới Phi Châu. Riêng tại Hoa Kỳ, Ổi được giới thiệu đến tiểu bang Florida rồi miền Nam nước Mỹ. Ổi cũng có mặt tại một số quốc gia Âu Châu, cho đến giữa thế kỷ 20, ngày càng được ưa thích và được chế biến thành nhiều loại thức uống, món ăn. Do đó, hiện nay, Ổi được xem là một mặt hàng thương mại hấp dẫn, càng ngày càng có mặt trên thị trường.
Người ta thích đến độ, nhiều nơi, Ổi được người dân trồng tại vườn nhà, thậm chí có người còn trồng trong chậu để chưng trong nhà khi cây Ổi còn nhỏ, có lẽ vì lá Ổi có mùi thơm dễ chịu.
Cây Ổi cho trái chỉ trong một thời gian ngắn, nếu được gieo trồng từ hột, và nếu được chăm sóc đúng mức, thì có thể cho quả sau 2 năm, và tiếp tục cho quả trong vòng 40 năm sau đó ! Kích cỡ của quả Ổi lớn hay nhỏ tùy theo giống loại, từ 4 cm đến 12 cm chiều dài, có hình tròn hoăc hình bầu dục. Hương vị đặc biệt của quả Ổi thường phảng phất hương vị Chanh, nhưng dịu dàng hơn. Vỏ có thể sần sùi hay trơn láng, cứng hay mềm, có vị hơi đắng chát hay ngọt là tùy theo loại. Và cũng tùy theo loại, vỏ Ổi có mầu xanh khi chưa chín, nhưng đến khi chín rồi, có thể đổi sang màu vàng, màu hạt dẻ, màu hạt dẻ hoặc vẫn giữ nguyên màu xanh. Phần ruột của quả Ổi cũng có nhiều khác biệt, có vị ngọt hay chua, nhiều hột hay ít hột, có mầu trắng, mầu hồng đậm, hay màu tím Tất cả sự khác biệt này là tùy theo giống loại Ổi.
B/ PHÂN LOẠI:
Có rất nhiều loại Ổi, nhưng thường thì chúng ta chỉ biết đến vài loại, trong đó có Ổi xá lị. Loại Ổi thường thấy nhất trên thế giới được gọi là là Apple Guava, tạm dịch là Ổi Táo, tức là Ổi có phảng phất hương vị của quả Táo, loại Ổi này có vỏ màu xanh. Thái Lan cũng có một loại Apple Guava, nhưng vỏ lại có mầu hạt dẻ, tên là Thai Maroon Guava. Ngoài ra, trên thế giới còn có Yellow-Fruit Cherry Guava, phảng phất hương vị hơi chua của quả Cherry, có vỏ màu vàng, rồi Strawberry Guava, là loại Ổi có hương vị quả Dâu, có vỏ mầu hồng đậm rất đẹp.
Trong khi đó thì tại Việt Nam sau này, do sự giao thương với các quốc gia Á Châu khác mà chúng ta có nhiều loại Ổi rất thơm ngon, khiến Ổi càng được nhiều người ưa chuộng hơn trước. Những giống loại Ổi được biết đến nhiều nhất như Ôi Lê Đài Loan (Apple Guava), Ổi Tím Malaysia, Ổi không hạt, Ổi Lê Ruột Đỏ (Thai Maroon Guava). Trong các loại Ổi này, được các nhà đầu tư nuôi trồng nhiều nhất là Ổi Lê Đài Loan, vì thời gian trồng cho đến khi thu hoạch chỉ có 6 tháng, có vị ngọt nhẹ nhàng và giòn. À, tôi muốn nhắc đến một loại Ổi khác có tên rất đẹp là Ổi Nữ Hoàng, có nguồn gốc từ Thái Lan, loại Ổi này khá ngon, có hương vị độc đáo, vừa chua vừa ngọt, khiến nhiều người rất ưa chuộng. Một giống Ổi nữa khá mới mẻ với người Việt Nam, đó là Ổi Tím, có nguồn gốc từ Mã Lai, gọi là Ổi Tím Mã Lai. Loại cây Ổi này có màu tím từ thân cậy, cho đến cành lá, hoa và quả, tất cả đều mang một màu Tím rất đẹp và lạ mắt. Ổi không hột cũng là một loại Ổi rất thơm ngon.
Có thể nói, kỹ thuật lai giống ngày càng phát triển nên chúng ta chưa thể biết chính xác có bao nhiêu loại Ổi hiện nay trên thế giới.
C/ ỔI TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:
Đông Y gọi quả Ổi là Phiên Thạch Lựu, có nghĩa là Ổi đã chín, có vị ngọt, hơi chua và hơi chát, tác dụng trực tiếp vào Tỳ Vị (hệ Tiêu hóa), Can (Gan) và Đại trường (ruột già) có tác dụng kích thích tiêu hóa, chống đầy hơi và chống tiêu chẩy. Trong khi đó, Phiên Thạch Lựu Can, tức là quả Ổi chưa chín, có vị chua và chát, tác dụng trực tiếp vào Can, Tỳ Vị và Đại Trường, có tác dụng chống bệnh kiết lị.
Phiên Thạch Lựu Bì, tức là vỏ cây và vỏ của rễ, có khả năng chữa các bệnh viêm nhiễm ngoài da, đặc biệt bệnh ghẻ lở cho trẻ em. Riêng lá Ổi, còn được gọi là Phiên Thạch Lựu Diệp, có vị chua và chát, tác dụng trực tiếp vào Phế, Can, Tỳ Vị và Đại Trường, được xem là một dược thảo có giá trị dược tính rất cao, có tác dụng chống Tiêu chẩy và Kiết li mãn tính, trị các chứng Viêm da như bệnh Chàm và các trường hợp dị ứng, làm đẹp da, giảm chứng rụng tóc, trị viêm họng và Ho mãn tính, hỗ trợ tiêu hóa, và chống bệnh Tiêu khát, tức là bệnh Tiểu đường loại II.
VÀI CÔNG THỨC DƯỢC THẢO:
Trị Tiêu chẩy mãn tính hay cấp tính do lạnh bụng: Dùng 20 grams lá Ổi non, 12 grams Gừng già thái nhuyễn, 12 grams Trần bì (vỏ quít khô). Sắc với 3 chén nước cho đến khi cạn còn 1 chén, uống lúc bụng đang trống. Mỗi ngày 2 lần, từ 3 đến 5 ngày.
2/ Trị Viêm Dạ dầy, viêm ruột cấp tính: Dùng 30 grams lá Ổi non, thái nhuyễn, có thể sao nóng trên chảo với một nắm gạo lứt. Sau đó, sắc với 3 chén nước cho đến khi cạn còn 1 chén, uống lúc bụng đang trống. Mỗi ngày 2 lần, sau 5 đến 7 ngày sẽ thấy các triệu chứng đau giảm nhiều.
3/ Giảm bệnh Tiêu khát, tức là bệnh Tiểu đường loại II: Dùng 40 grams lá Ổi, thái nhuyễn. Sau đó, sắc với 2 chén nước cho đến khi cạn còn 1 chén. Uống khi bụng còn trống.
Trong trường hợp người bệnh đang dùng thuốc Tây, những công thức trên vẫn có thể giữ vai trò hỗ trợ bằng cách dùng song song để đạt được kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, nên dùng cách thuốc Tây (trước hoặc sau) từ 2 đến 3 giờ đồng hồ là an toàn.
D/ ỔI TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:
Theo các kết quả phân tích của phòng xét nghiệm, Ổi hàm chứa nhiều vitamin A, các loại vitamins B như B1, B2, B3, B5, B6, B9, vitamin C, K. Ổi hàm chứa nhiều vitamin C, nhiều gấp 4 lần lượng vitamine C trong quả Cam, riêng loại Ổi Dâu thì ít vitamin C hơn, nhưng vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu hàng ngày. Các khoáng chất và kim loại như Calcium, Iron, Magnesium, Maganese, Phosphorus, Potassium, Sodium và Zinc. Ngoài ra, Ổi còn hàm chứa Protein, Tinh bột, Đường thiên nhiên, chất xơ, một chút chất béo thực vật, và một dưỡng chất quan trọng là Lycopene, vốn là một dưỡng chất chống lão hóa cực mạnh, làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bảo vệ đôi mắt, tăng cường sức khỏe của Não bộ và Tim mạch, và giúp cho xương cốt vững mạnh.
CÁC TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA ỔI
Từ năm 1950, các nhà khoa học đã nghiên cứu về lá Ổi. Và kết quả những cuộc nghiên cứu đó cho biết như sau: Trái Ổi và lá Ổi hàm chứa nhiều dưỡng chất, nhiều hóa chất thiên nhiên cần thiết như Polyphenol, Flavonoid, và Tannin, có những tác dụng sau:
1/ Giúp giảm lượng đường trong máu: Một số công trình nghiên cứu khoa học Viện Nghiên Cứu Yakult - Nhật Bản cho biết, các dưỡng chất trong trà lá Ổi có khả năng ngăn chận cơ thể hấp thụ đường, từ đó giảm lượng đường trong máu. Các cuộc nghiên cứu trên còn cho rằng: Những ai uống trà lá Ổi thường xuyên trong vòng vài tháng sẽ thấy lượng đường trong máu giảm dần.
2/ Giúp giảm cân: Với nhiều vitamin, nhiều dưỡng chất và các hóa chất thiên nhiên, lá Ổi có tác dụng ngăn cản sự chuyển hóa tinh bột thành đường, từ đó góp phần làm giảm cân. Bên cạnh đó, trái Ổi vốn hàm chứa nhiều sinh tố và dưỡng chất, với vai trò một loại thức ăn dặm, tức là snack sẽ giúp giảm cân dễ dàng. Trong một bữa ăn trưa, nếu chúng ta ăn kèm thêm một trái Ổi có kích cỡ trung bình sẽ làm giảm đi cảm giác đói. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, nếu uống trà lá Ổi liên tiếp trong vòng 3 tháng, lượng cholesterol xấu tức là LDL sẽ giảm được rất nhiều, từ đó có thể làm giảm huyết áp.
3/ Gia tăng thị lực: Vì quả Ổi có nhiều vitamin A, và một dưỡng chất thiên nhiên tên là Lycopene, có tác dụng làm sáng mắt, và đề phòng tình trạng thoái hóa của võng mạc, và vài căn bệnh khác về mắt.
4/ Nuôi dưỡng Não Bộ: Ổi hàm chứa nhiều vitamin B3, và B6, có tác dụng tăng cường tuần hoàn Não và khả năng nhận thức cũng như khả năng tập trung.
5/ Chống Lão hóa và Giảm nguy cơ mắc bệnh Ung thư: Một trong những tác dụng quan trọng nhất của lá Ổi là giảm nguy cơ mắc bệnh Ung thư Tiền liệt tuyến – prostate cancer. Quả Ổi cũng có tác dụng này, thường xuyên ăn Ổi sẽ giúp ức chế sự phát triển của các tế bào Ung thư, nhiều cuộc nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy là Ổi có khả năng giảm nguy cơ ung thư Tiền liệt tuyến, ung thư Vú và ung thư Họng, do hàm chứa nhiều lycopene, là một chất chống lão hóa cực mạnh, và có khả năng loại trừ độc tố ra khỏi cơ thể.
6/ Lá Ổi có công năng hỗ trợ hệ tiêu hóa: Bảo vệ đường ruột, chống đầy hơi và kích thích tiêu hóa. Một dưỡng chất trong lá Ổi tên là Tannin có khả năng đề kháng các loại vi trùng đường ruột gây ra bệnh kiết lị và bệnh tiêu chẩy, do có tính thu liễm và tính kềm – alkaline. Trong khi đó, trái Ổi có tác dụng ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm Dạ dầy và đường ruột.
7/ Trà lá Ổi có khả năng giảm ho và tiêu đàm: Trái Ổi do có nhiều vitamin C và chất sắt nên có thể làm giảm tác hại của các loại siêu vi gây Cảm Cúm, và viêm họng. 8/ Nước lá Ổi giảm đau răng, ngăn ngừa bệnh nướu răng: Dùng nước lá Ổi xúc miệng mỗi ngày sẽ giảm được bệnh sâu răng và bệnh nướu răng.
9/ Nước lá Ổi làm đẹp da, chống mụn: Mỗi ngày rửa mặt bằng nước nấu chín với lá Ổi sẽ giúp chống lão hóa cho làn da và chống các loại mụn trứng cá. Ngoài ra, lá Ổi còn chống ngứa da do dị ứng.
10/ Nước lá Ổi chống rụng tóc: Gội đầu bằng nước lá Ổi thường xuyên sẽ giảm bớt bệnh rụng tóc rất nhiều.
11/ Trà lá Ổi giải độc và bảo vệ Gan: Một nghiên cứu khoa học tại Ấn Độ đã ghi nhận được tác dụng độc đáo này của trà lá Ổi.
12/ Tinh dầu hạt Ổi làm đep Da: Các nghiên cứu khoa học đã tìm thấy rất nhiều dưỡng chất, và đã chiết xuất được tinh dầu hạt Ổi, thường được dùng trong khoa ẩm thực, và có mặt trong các mỹ phẩm, vì đó là nguồn dồi dào các dưỡng chất như beta-caroteen, vitamin A, C, Copper, Zine và Selenium, và một thành phần hóa chất thiên nhiên tên là Linoleic acid, rất tốt cho làn da.
E/ LƯU Ý VỀ HẠT ỔI:
Hạt Ổi tuy hàm chứa nhiều dưỡng chất, nhưng cần được loại bỏ trước khi ăn. Vì hạt Ổi khá cứng, không thể tiêu hóa được, hơn nữa, dễ bị lọt vào ruột thừa, có thể gây ra bệnh viêm Ruột Thừa cấp tính, trong nhiều trường hợp gây đau đớn dữ dội và có thể phải giải phẫu cắt bỏ ruột thừa.
Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
Tham khảo:
1/ Cambridge Advanced Learner's Dictionary & Thesaurus". Cambridge University Press. Retrieved 20 August 2012.
2/ Judd, WS; Campbell, CS; Kellogg, EA; Stevens, PF; Donoghue, MJ (2002). Plant systematics, a phylogenetic approach. Sinauer Associates, Inc. pp. 398–399. ISBN 0878934030.
3/ Morton JF (1987). "Guava, in Fruits of Warm Climates, p 356-63". Center for New Crops & Plant Products, Department of Horticulture and Landscape Architecture, Purdue University, West Lafayette, Indiana. Retrieved 24 April 2015.
4/ "Thai Guava farming gets momentum". Dhaka Tribune. August 28, 2016.
5/ "Recommended Herbal Plants In The Philippines". Business Mirror. August 10, 2017