STRESS - TIỂU ĐƯỜNG VÀ CÁCH ĐỐI PHÓ


SARAH HENRI


Thế nào gọi là Stress? Và với những ai đang mang bệnh Tiểu đường loại II, stress - còn gọi là sự căng thẳng sẽ ảnh hưởng ra sao?
Stress là một phản ứng mang tính sinh lý đối với những tác nhân, hay những sự kiện gây nên căng thẳng. Stress có thể khởi đầu từ những nguyên nhân thể lý như thương tích, đau ốm hay giải phẫu, hoặc có thể bắt nguồn từ một phản ứng tâm lý nhiều cảm xúc trước những vấn đề sức khỏe, tài chính, hay những mối liên hệ chung quanh. Sự căng thẳng có thể được cho là “tốt” (do những sinh hoạt nhộn nhịp trong dịp nghỉ hè, hoặc bận rộn vì những cuộc thăm viếng dự định trước của những người thân), hoặc “xấu” (từ bệnh tật, âu lo về tiền bạc, hay một cuộc thăm viếng của người thân dẫn đến bất hòa). Sự căng thẳng cũng có thể ngắn hạn (do kẹt xe trên đường hay bị cảm cúm) hay dài hạn (do đối phó với bệnh Tiểu đường, hay một căn bệnh của một người thân).
Stress gây tiêu hao cho cơ thể. Khi cảm nhận được sự căng thẳng, cơ thể sẽ đáp ứng bằng một phản ứng tự vệ được gọi là Fight or Flight của hệ thần kinh giao cảm, (sympathetic nervous system). Từ phản ứng này, mức độ của một số hormons như adrenaline, cortisol, và epinephrine sẽ được tăng lên. Những hormones này, còn gọi là stress hormons sẽ khiến một số nguồn năng lượng dự trữ, đặc biệt là đường glucose và chất béo, ở vào tư thế sẵn sàng cung cấp cho các tế bào, để giúp cơ thể thoát khỏi, hoặc chuẩn bị kháng cự lại một mối nguy nào đó.
Ai trong chúng ta cũng đã từng có kinh nghiệm trải qua những lần căng thẳng như vậy. Nếu stress xẩy ra ngắn hạn sẽ không gây một tổn thương nào đáng kể cho cơ thể, nhưng nếu có quá nhiều nguồn căng thẳng cực độ kéo dài, những phản ứng trên sẽ đưa đến những vấn đề sức khỏe như nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, khó ngủ, âu lo, và trầm cảm, việc ăn uống sẽ kém đi, đồng thời chúng ta sẽ thèm cà phê, rượu, và đường nhiều hơn bình thường.

1/ Stress ảnh hưởng đến người bị Tiểu đường loại II như thế nào?
Ở những bệnh nhân Tiểu đường loại II, phản ứng tự vệ fight-or-flight không được trọn vẹn. Vì chất Insulin không luôn luôn sẵn sàng “mở cửa” các tế bào để đưa năng lượng thặng dư vào, do đó, đường thay vì vào được tế bào, lại phải trở ra để đi vào máu. Thêm vào đó, nếu đang phải đối phó với các tác nhân gây căng thẳng, cơ thể của bệnh nhân Tiểu đường loại II sẽ tự phóng thích các hormon không ngừng nghỉ, trong khi phản ứng tự vệ fight-or-flight cũng không đủ mạnh để giúp đối phó với những thử thách trước mắt.

a/ Stress làm tăng lượng đường huyết:
Khi một người thân của quí vị đang trải qua thời kỳ căng thẳng, lượng đường huyết sẽ tăng lên vì những lý do sau. Thứ nhất, các stress hormones sẽ nâng cao lượng đường huyết, đôi lúc cao đến mức nguy hiểm. Thứ hai, người đang bị stress thường không quan tâm đến sức khỏe của mình, quên ăn, quên tập thể dục, bỏ cả thuốc men, quên uống nước, hoặc cảm thấy quá gò bó khi phải đo lượng đường huyết đều đặn mỗi ngày, hoặc khi phải đi khám bác sĩ theo lịch trình.
Stress kéo dài, trở thành mãn tính sẽ là một gánh nặng cho cơ thể, và làm gia tăng những nguy cơ bệnh tật liên quan đến stress, cũng như làm tình trạng tiểu đường trở nên phức tạp hơn.

b/ Giảm thiểu tác động tai hại của stress:
Bệnh nhân Tiểu đường thường có những phương cách chế ngự stress. Nếu biết mình đang bị stress, có thể họ sẽ tìm cách thư giãn, và làm đảo ngược các hoạt động của hormons. Hãy giúp người bệnh nhận ra là mình đang bị căng thẳng, cũng như tìm hiểu nguyên nhân. Hãy ghi chú vắn tắt, ước lượng mức độ căng thẳng, trước khi làm xét nghiệm lượng đường huyết. Từ đó, bệnh nhân sẽ biết rõ đâu là nguyên nhân khiến cho lượng đường gia tăng.

2/ Hãy khuyến khích người thân giảm đi căng thẳng:
Mỗi khi người thân xác định được đâu là nguyên nhân khiến mình bị căng thẳng hay buồn khổ, hãy bảo người ấy viết xuống cảm tưởng của mình về nguyên nhân ấy, rồi giúp bệnh nhân tìm ra một cách giải quyết tốt nhất, và đi đến một hành động cụ thể, nhằm loại trừ tác nhân gây phiền muộn ra khỏi đầu óc, để tâm tư vơi bớt mệt mỏi chán chường.
Ví dụ như: Nếu bệnh nhân nhận thấy lượng đường huyết của mình tăng lên mỗi khi người hàng xóm mở nhạc quá lớn sau 10 giờ đêm, hãy thuyết phục họ mở nhạc nhỏ lại vào giờ đó. Nếu bệnh nhân thường cãi cọ liên tục với một người thân trong gia đình, và nhận thấy rằng đó chính là nguyên nhân làm lượng đường huyết gia tăng, có lẽ cả hai nên cùng tìm ra giải pháp giảm bớt mâu thuẫn, hoặc nhờ đến một người tư vấn.

3/ Nhận định bản chất của người bệnh:
Mỗi người có một bản chất khác nhau, nên cách tiếp nhận những sự kiện chung quanh cũng có phần khác biệt. Ví dụ, một người thân mà quí vị chăm sóc, đang gặp khó khăn trong việc giải quyết một nan đề, có thể người ấy sẽ tự hỏi: “Làm sao tôi giải quyết được tình huống khó khăn này?” rồi quyết định đi đến một hành động. Nếu mọi việc ổn thỏa hơn, người ấy có thể sẽ tự nhủ với lòng mình: “Vấn đề này, cuối cùng rồi, không quá quan trọng như mình đã nghĩ!” Tĩnh tâm, hoặc chơi một ván cờ, hoặc làm điều gì đó, kết quả có thể là Đúng hay Sai: nhưng mục tiêu vẫn là khích lệ người thân giải quyết căng thẳng bằng mọi cách, nhằm tránh cho lượng đường huyết vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

4/ Vạch ra những mục tiêu nhỏ và lành mạnh:
Trong thời kỳ quá căng thẳng, quí vị hãy giúp người thân của mình vạch ra những mục tiêu nhỏ, dễ dàng đạt được, nhằm ổn định lượng đường huyết, và khiến người ấy không cảm thấy bị dồn ép quá đáng, có thể dẫn đến việc hủy bỏ những kế hoạch điều trị. Hoặc người ấy sẽ bằng lòng đi bộ với quí vị quanh nhà. Hoặc sẽ chịu ăn rau, hoặc chỉ ăn 2 chiếc cookies, thay vì 5 chiếc. Có thể người ấy sẽ chấp nhận thử đường huyết ít nhất một lần, hoặc nhờ quí vị làm giúp. Những bước nhỏ như thế sẽ có thể giữ cho bệnh nhân năng động hơn và tránh được những hệ quả không hay.

GIÚP ĐỠ NGƯỜI THÂN BẰNG NHỮNG PHƯƠNG PHÁP THƯ GIÃN.

Có rất nhiều cách để quí vị áp dụng nhằm giúp người thân giảm stress như sau:
a/ Những bài tập về cách thở, yoga, thiền hay tĩnh tâm, massage, và nhiều hoạt động tương tự có thể giúp tâm tư yên ổn.
b/ Thư giãn liệu pháp, bao gồm cách làm căng lên và giãn ra các bắp thịt chính một cách luân phiên.
c/ Tập thể dục làm gia tăng lượng endorphins và serotonin, hai hóa chất trong bộ Não ảnh hưởng tốt đến tính cách và tạo cảm giác khỏe mạnh yêu đời. Tập thể dục là một phương cách giảm stress vô giá, đem lại rất nhiều ích lợi cho sức khỏe.
d/ Thay đổi tính cách: là một từ ngữ được hiểu đơn giản là thay thế những suy nghĩ bi quan bằng những suy nghĩ lạc quan, đồng thời xua đi những tư tưởng rối ren ra khỏi đầu óc. Người bệnh có thể học được cách thức này từ một chuyên viên y tế.
e/ Hãy dùng thời giờ cho những hoạt động ngoài trời. Đừng đánh giá thấp ích lợi của một bầu không khí trong lành, tràn đầy ánh nắng mặt trời và khung cảnh thiên nhiên, quí vị nhé.
f/ Ngủ không đủ sẽ làm cho stress trở nên trầm trọng hơn, và làm giảm khả năng chịu đựng. Ngược lại, thói quen thỉnh thoảng ngủ thiu thiu cũng gia tăng năng lượng và phát triển tính cách. Nếu người bệnh phải cố gắng dỗ giấc ngủ cho đủ vào ban đêm, hãy đề nghị người ấy ngủ thêm một chút vào ban ngày để lấy lại sức. Hãy thử mọi phương cách cho người bệnh, khuyến khích họ làm theo vài tuần lễ hay vài tháng trước khi đổi qua một phương cách khác. Cũng như khi đang tập một môn thể thao hay theo đuổi một sở thích, chúng ta cần có thời gian để biết mình có thật sự thích hay không ?
Nhưng nói gì, hay làm gì đi nữa, Tiểu đường cũng chính là một tác nhân gây căng thẳng rất khó loại trừ. Vấn đề là chúng ta có nhiều phương cách để giảm thiểu hay hạn chế những tác hại do stress và tiểu đường gây ra.

5/ Đề nghị một nhóm hỗ trợ:
Đây chính là sự giúp đỡ rất quí giá. Người bệnh thường cảm thấy bớt cô đơn, nếu có những người cùng vai vế và cùng cảnh ngộ, để có thể làm bạn và học hỏi lẫn nhau.

6. Giúp bệnh nhân tổ chức cuộc sống:
Đôi khi, việc sắp xếp mọi sinh hoạt cũng tạo nên stress cho chính người bệnh Tiểu đường. Điều này có thể hiểu được, khi phải sống trong một tình trạng bệnh lý mãn tính, người thân của chúng ta rất dễ cảm thấy mệt mỏi và thất vọng, ngay với cả những biện pháp chăm sóc cho chính mình. Một cách để giảm bớt hay loại trừ hẳn nguồn căng thẳng là giúp người bệnh lập một danh sách và một quyển sổ tay theo dõi việc thuốc men, ăn uống kiêng cữ, tập thể dục và những cuộc hẹn với bác sĩ.
Quí vị cũng có thể giúp người thân giữ thuốc men và các thiết bị chăm sóc một cách ngăn nắp trong ngăn tủ hay ở những nơi thuận tiện, giảm thiểu tối đa việc tìm kiếm khi cần đến. Quí vị cũng cần biết chắc là người bệnh có ghi chú cách đối phó với những lúc tăng hay giảm lượng đường huyết hàng ngày, hay vào những ngày đau ốm. Hãy nhớ, các thiết bị cần thiết luôn luôn sẵn sàng.

7/ Giúp người bệnh tìm nguồn vui mới:
Một vài bệnh nhân đã chống chỏi lại stress bằng cách thêm vào cuộc sống một vài nguồn vui. Có thể đó là một môn thể thao như trượt tuyết, hoặc một sinh hoạt mới như ngắm nhìn chim chóc. Học một sở thích thuộc về thủ công, chẳng hạn như đan áo len, làm đồ chơi cho trẻ con..., những việc làm này có thể đem lại sự bình thản. Hoặc một công việc có tính xã hội như làm tình nguyện viên tại trường học, nhà thương... tất cả đều đem lại một ích lợi tinh thần. Nghe nhạc hay chơi đàn cũng khiến cho tinh thần hưng phấn.

8/ Xác định trở ngại lớn nhất của bệnh nhân:
Hãy hỏi người bệnh, điều gì liên quan đến việc điều trị, khiến cho họ khó chịu nhất, hãy gợi chuyện cho họ nói ra. Nếu họ nói rằng: “Nhớ giờ giấc uống thuốc là việc phiền toái nhất”, thì hãy tìm cách khiến việc này bớt khó chịu hơn. Hoặc: “Thêm một sinh hoạt nào đó sao mà khó thế !”, thì quí vị hãy tìm ra một cách nào đó vui vẻ hơn, với bạn bè chẳng hạn. Ví dụ, đi bộ với một người bạn, dù sao vẫn thú vị hơn là đi bộ một mình.

9/ Hãy lắng nghe một cách thông cảm:
Hãy để người bệnh bày tỏ cảm tưởng cũng như nỗi thất vọng của mình về căn bệnh tiểu đường, và không nên có một lời khuyên hay phán xét nào. Về lâu về dài, chính điều này sẽ làm vơi đi phiền muộn và căng thẳng. Người bệnh cần sự hỗ trợ và cảm thông để có thể sống thỏa hiệp với căn bệnh trầm kha này.

10/ Hãy nhờ đến sự giúp đỡ khi cần thiết:
Hãy nhớ là quí vị và người bệnh không cần phải ôm hết vào lòng những trở ngại. Hãy nhờ đến một chuyên viên trong nhóm chăm sóc người bệnh Tiểu đường, hoặc có thể tìm trên mạng lưới Internet để nhờ một chuyên viên tâm thần giúp đỡ, nếu quí vị nghĩ rằng việc này có lợi. Hãy trao đổi với một nhân viên xã hội, một nhà tư vấn, một chuyên viên tâm lý liệu pháp, để giúp người thân giải quyết vấn đề, hoặc thay đổi cung cách cư xử, từ đó giảm đi những tác động xấu của stress.

11/ Khuyến khích người bệnh thổ lộ với bác sĩ những tác nhân gây stress bất thường:
Stress mãn tính, có thể bắt nguồn từ sự khủng hoảng tài chánh trước mắt, hay sự suy sụp vì bệnh tật, có thể đòi hỏi phải thay đổi hay điều chỉnh thuốc men đang xử dụng. Nếu quả thật như thế, hoặc nếu chính quí vị có những thắc mắc về tình trạng hiện tại của người thân, hãy trao đổi với một bác sĩ chuyên khoa Tiểu đường, người có thể sẽ giúp được người thân vượt qua những khó khăn trước mắt này.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
lược dịch