KHỔ QUA – BITTER MELON





A/ DẪN NHẬP:

Quả Mướp đắng là tên gọi của người miền Bắc, và người miền Nam gọi là trái Khổ qua, là một loại rau quả mọc ở dạng dây leo, thường thấy ở các quốc gia vùng nhiệt đới, thuộc họ Bầu Bí. Trong các loại rau quả ăn được, đây là loại đắng nhất ! Có lẽ vì thế mà đồng bào miền Nam đặt tên là Khổ qua. Khổ, từ ngữ Hán Việt, có nghĩa là đắng, ăn Khổ qua, có nghĩa là vượt qua cái đắng chăng ? Người Mỹ gọi là Bitter Melon. Khổ qua có nhiều ở Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, các quốc gia vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Trung quốc…, Phi châu và vùng Caribe. Khổ qua có hoa màu vàng, khi chín thì quả cũng có màu vàng, nhưng hạt thì lại chuyển sang màu đỏ. Hình dạng bên ngoài quả lại sần sùi, không đẹp mắt, nhưng Khổ qua lại là thành phần chính trong nhiều món ăn khá hấp dẫn ví dụ như: Khổ qua xào trứng, canh Khổ qua cá thác lác viên, canh Khổ Qua nhồi thịt. Không những thế, người ta còn làm Mứt Khổ qua trong ngày Tết, rồi Trà Khổ qua để giải nhiệt nữa ! Vào những ngày Tết dân tộc, nhiều gia đình còn ăn món Khổ qua hầm thịt, coi đó như là một cách cầu cho cái Khổ của năm cũ qua đi, hoặc mừng cho cái Khổ đã ra đi ! Suy nghĩ này có thật sự đúng hay không, chưa ai kiểm chứng được, nhưng nói về mặt sức khỏe thì Khổ qua là một loại quả có nhiều tác dụng rất tốt, có thể nói là thần kỳ.

B/ KHỔ QUA TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:

Theo Đông y, Khổ qua có vị Đắng, tính Hàn, tác dụng trực tiếp vào Can (Gan), Tâm (Tim), Tỳ (Hệ Tiêu hóa), Phế (Phổi) và Thận. Theo kinh nghiệm trị liệu, cũng như dựa trên những tài liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, Khổ qua có những tác dụng trị liệu như sau: hỗ trợ Tiêu hóa, hạ Sốt, trị Rôm Xẩy ở trẻ em, hạ lượng đường huyết trong trường hợp Tiểu Đường Loại II, chống Nhiễm Khuẩn, chống Sưng, giảm nguy cơ mắc bệnh Ung Thư... trong số đó, tác dụng giảm lượng đường huyết khá mạnh và hiệu quả nhất. Ngoài ra, Khổ qua còn tỏ ra rất hữu hiệu khi được dùng để đối phó với các bệnh ngoài Da, đặc biệt là bệnh Dời – Herpes Zoster.

Ở một vài quốc gia Phi châu, Khổ qua được xem là một phương thuốc dân gian từ rất lâu rồi. Đó là một vị thuốc kích thích Tiêu hóa, trị chứng khó tiêu và chứng táo bón. Tại Togo, một quốc gia Phi châu, nền y học cổ truyền xem đó là một vị thuốc dân gian trị các bệnh đường ruột, và tinh chất Khổ qua được dùng để trị bệnh giun sán, bệnh Sởi, và bệnh chickenpox (bệnh thủy đậu), bệnh Kiết lỵ, đau bụng, phỏng, và vài bệnh da khác như ghẻ ngứa...Tại Panama, Columbia, lá Khổ qua cũng được chế biến thành trà giải nhiệt, dùng để trị Sốt rét và Tiểu đường. Một số kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, dù chưa được công bố nhưng cũng cho rằng Khổ qua có tác dụng chống Sốt rét, bởi vì vị đắng của Khổ qua được cho là do chất quinine.

TÁC DỤNG TRỊ LIỆU THEO KINH NGHIỆM ĐÔNG Y

Tại Việt Nam, có nhiều món ăn và thức uống làm từ Khổ qua có khả năng điều trị, hoặc hỗ trợ điều trị như sau:

B1/ Để giảm huyết áp, chúng ta có món Khổ qua trộn rau Cần với cân lượng như sau: Khổ qua: 150 gr, rau Cần: 150 grams

Cách làm: Khổ qua gọt bỏ vỏ, ruột và hạt, rồi thái nhuyễn thành sợi, trụn nước sôi một chút rồi lại nhúng vào nước lạnh. Sau đó trộn với rau Cần và thêm gia vị nếu muốn.

B2/ Trị mắt đỏ sưng đau do Gan nóng: Nước nấu Khổ qua: Khổ qua tươi 500 gr rửa sạch, nấu với 250 ml nước trong khoảng 10 phút, dùng uống trong ngày. Nước Khổ qua trong trường hợp này giúp giải nhiệt, và làm hỗ trợ điều trị chứng đau mắt.

B3/ Trị Rôm Xẩy ở trẻ em: Dùng 2, 3 trái Khổ qua bỏ hạt, thái nhuyễn rồi nấu trong 2 lít nước. Sau đó để nguội, dùng bông gòn thấm nước Khổ qua, thoa lên những vùng da đang bị rôm xẩy. Rất hiệu quả.

B4/ Trị Tiểu đường: Dùng 2 trái Khổ qua bỏ hạt, thái nhuyễn rồi nấu với 1 lít nước. Dùng để uống trong ngày.

B5/ Trị viêm loét vùng môi và miệng, viêm lưỡi, viêm họng: Dùng 60 gram Khổ qua, 60 gram củ Năng. Khổ qua bỏ ruột, thái lát, củ Năng bỏ ruột thái lát. Tất cả đem xào với dầu olive, hay dầu bắp, ăn 2 lần mỗi ngày.

B6/ Trị Phỏng cấp I: Ngày xưa, để trị phỏng, dân gian thường bỏ hột, rồi giã nát trái Khổ qua, sau đó đắp ngoài da rồi băng kín lại. Bây giờ, chúng ta có thể dùng blender - máy xay sinh tố, xay nhuyễn, đắp lên vùng phỏng, và cũng băng lại. Người viết cũng xin lưu ý, Khổ qua chỉ có thể trị phỏng ở cấp độ I (phỏng chỉ gây tổn thương ở lớp da trên cùng - thượng bì mà thôi). Ở cấp độ nặng hơn, tổn thương sâu xuống hạ bì có thể gây nhiễm trùng, nạn nhân cần được đưa đến bệnh viện để được sự chữa trị đúng mức.

B7/ Trị bệnh Dời – Shingles (Herpes Zoster): Bệnh Dời, còn được gọi là Shingles hay Herpes Zoster, xuất hiện thành từng dải rộng và dài, chạy quanh thân, hoặc một vùng nhỏ, có nhiều mụn nước (blister) rộp lên với màu đỏ rực, tạo cảm giác đau nóng liên tục và dữ dội trên da mặt, trên các vùng mô mềm quanh vùng ngực, bụng… Theo các kết quả nghiên cứu, những ai trong tuổi thơ từng bị bệnh Thủy đậu - Chickenpox, gây ra bởi một loại virus mang tên Varicella Zoster, loại virus này sau đó sẽ “ngủ yên” và cư trú trong rễ thần kinh cột sống, đợi đến một lúc nào đó trong đời, khi bệnh nhân quá căng thẳng, hoặc hệ miễn nhiễm suy yếu, hoặc do tuổi tác, và ngay cả do tác dụng phụ của vài loại thuốc tây cũng có thể “đánh thức” khiến loại virus này tái xuất hiện và gây ra bệnh Dời, Loại virus từng gây ra bệnh Chickenpox xưa kia, khi tái xuất lại chỉ gây ra bệnh Dời, và một khi đã mắc phải, với phần lớn trường hợp, bệnh Dời sẽ không giờ tái phát.

Cách dùng Khổ qua để trị bệnh Dời như sau: 1 quả Khổ qua, bỏ hột, thái nhuyễn trước khi cho vào máy xay sinh tố - blender, thêm vào một muỗng café muối, một chút nước, rồi xay thật nhuyễn để có được một loại gel thật đặc. Sau đó, phết lên vùng tổn thương rồi dùng bandage băng lại, nếu cần có thể băng quanh thân người. Mỗi ngày làm từ 2 đến 3 lần. Công thức điều trị này có kết quả khá nhanh, thường từ 1 tuần lễ cho đến 10 ngày. Kết quả trị liệu sẽ càng nhanh hơn, nếu chúng ta kết hợp với cách dùng Khổ qua trong phần B2 ở trên.

LƯU Ý:

Vì Khổ qua có tính chất mát lạnh, Đông y gọi là tính Hàn, nên khi bị rối loạn tiêu hóa do lạnh, chúng ta không nên ăn. Thêm một điều cần chú ý, là hột Khổ qua cần loại bỏ, vì lớp vỏ bọc của hột có độc tính, nhất là đối với trẻ em.

Phụ nữ đang thai nghén, cần tránh ăn Khổ qua, không uống trà Khổ qua, vì không tốt cho thai nhi.

C/ KHỔ QUA TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:

Các nghiên cứu trong phòng xét nghiệm cho thấy, những thành phần dưỡng chất có mặt trong Khổ qua gồm có: Carbohydrate (tinh bột), đường, chất xơ, chất béo, protein, ngoài ra, còn có các loại vitamin như: Vitamin A, B1, B2, B3, B6, B9, B12, C, E, K, và các dưỡng chất Calcium, Magnesium, Phosphorus, Potassium, Sodium, và Zinc. Đó toàn là những dưỡng chất hết sức cần thiết cho cơ thể.

Tóm lại, Khổ qua có nhiều ích lợi cho sức khỏe hơn phần lớn chúng ta nghĩ, ứng với câu ngày xưa Tổ tiên chúng ta thường nói: “Thuốc đắng dã tật” vậy.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.

Tham khảo:

1/ "BSBI List 2007". Botanical Society of Britain and Ireland. Archived from the original (xls) on 2015-01-25. Retrieved 2014-10-17.

2/ Bagchi, Indrani (11 April 2005). "Food for thought: Green 'karela' for Red China". Times of India.

3/ Tritten, Travis J. (March 9, 2011). "State Dept. official in Japan fired over alleged derogatory remarks". Stars and Stripes. Archived from the original on February 1, 2014. Retrieved September 12, 2012.

4/ Grover, J. K.; Yadav, S. P. (2004). "Pharmacological actions and potential uses of Momordica charantia: A review". Journal of Ethnopharmacology. 93 (1): 123–132.