BẠCH QUẢ - GINKO BILOBA
A/ DẪN NHẬP:
NGUỒN GỐC VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ CÂY BẠCH QUẢ
Bạch quả - Ginko Biloba là một loại quả hạt, dù không được xếp vào loại ngũ cốc thông thường, nhưng lại có giá trị dinh dưỡng rất cao, xuất thân từ một thực vật cùng tên, có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Cây Bạch quả là một trong số ít hiếm hoi loại thực vật có tuổi thọ rất cao, nhiều cây đạt đến hơn 1000 năm tuổi và hơn thế nữa. Tại Trung quốc, người ta ghi nhận được một cây Bạch quả có tuổi thọ 1400 năm bên cạnh ngôi chùa tên là Gu Guanyin (Quan Âm Cốc). Bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu và thời gian, cây Bạch quả này vẫn còn rất tươi tốt đến hôm nay. Vào mỗi mùa thu, cây tạo nên một thảm lá vàng thật dầy và rộng lớn, khiến cho khung cảnh chung quanh trở nên vô cùng rực rỡ.
Câu chuyện về 6 cây Bạch quả trên hòn đảo Hiroshima Nhật Bản năm 1945 vẫn tồn tại sau sức tàn phá kinh hoàng của bom nguyên tử và tiếp tục sống cho đến bây giờ, là một minh chứng về sức đề kháng mạnh mẽ, vượt qua được những thử thách của môi trường và điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Cho đến nay, không ai trong chúng ta mà không nhớ đến một sự kiện lịch sử rất quan trọng, đã kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đó là việc hai quả bom nguyên tử thả xuống hai hòn đảo Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản ngày 6 tháng 8 năm 1945, đã hủy diệt gần như hoàn toàn sự sống nơi đây. Những ai may mắn sống sót cũng phải chịu nhiều di chứng do phóng xạ gây ra kéo dài nhiều thế hệ sau đó. Tất nhiên, tất cả các loài thực vật cũng cùng chung số phận, duy chỉ có 6 cây Bạch quả trên hòn đảo Hiroshima, dù có bị khô héo đi vì sức nóng tàn phá của bom nguyên tử, nhưng sau đó, sống trở lại bình thường và vẫn tươi tốt cho đến ngày nay, đặc biệt là hoa trái vẫn nẩy sinh mà không hề có một sự biến dạng hay ảnh hưởng nào do phóng xạ nguyên tử. Cũng cần nói thêm là vị trí 6 cây Bạch quả này khá gần địa điểm nơi quả bom nguyên tử được thả xuống, chỉ cách hơn 1 cây số. Từ đó, loại cây này được mệnh danh là “bearer of Hope”, tạm dịch là “loài cây mang niềm hy vọng”.
Bạch quả, còn có tên là Ngân Hạnh, tên khoa học là Ginkgo Biloba, thường được gọi tắt là Ginkgo hoặc là Gingko. Đôi lúc còn được gọi là maidenhair tree – tạm dịch là cây tóc thiếu nữ, do cây có tàng lá rất đẹp, và càng ngày càng lớn rộng theo tuổi đời của cây. Dựa vào những mẩu vật hóa thạch mà các nhà khảo cổ tìm thấy được, thì người ta cho rằng loại cây này đã xuất hiện trên mặt đất cách đây 270 triệu năm. Có nhiều loại cùng họ Gingko, nhưng tất cả đã tuyệt chủng, trừ Gingko Biloba là một loại cây còn sót lại trên địa cầu. Cây có nguồn gốc từ Trung Hoa, đã có mặt trong đời sống con người với nhiều tác dụng dược lý, đồng thời cũng được xem như là một loại thực phẩm quan trọng.
Tuy có mặt ở Trung Hoa từ rất lâu, nhưng thật sự người ta chỉ thấy cây Bạch quả ở vài nơi như tỉnh Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Hà Nam, Sơn Đông, Hồ Bắc, khu bảo tồn Thiên Mẫu Sơn thuộc tỉnh Chiết Giang. Nơi đây, cây Bạch quả được các nhà sư Trung Hoa ở chùa Quan Âm Cốc chăm sóc cẩn thận... Mãi đến đầu thế kỷ 18, người Âu châu mới chú trọng đến cây vì dáng vẻ cũng như màu lá rất đẹp. Người đầu tiên biết đến loại thực vật này là một nhà thực vật học người Đức tên là Engelbert Kaempfer, khi ông đến thăm khu vườn của một ngôi chùa tại Nhật Bản vào năm 1690, cuối thế kỷ thứ 17. Cho đến năm 1727, cây Bạch quả mới được trồng tại các khu vườn thực vật nhiệt đới tại nhiều thành phố Âu Châu.
Năm 1995, Việt Nam đã nhập cảng hạt Bạch quả từ Nhật Bản và Pháp về trồng ở Sapa. Nhưng có lẽ do khí hậu và phong thổ không thích hợp, cây phát triển rất chậm,
Cây Bạch quả có mặt tại Hoa Kỳ vào năm 1784, tại Philadelphia, tiểu bang Pennsylvania. Và ông Halmilton là người đầu tiên trồng cây này tại sân nhà mình, đến nay cây đã được 231 tuổi. Kể từ ngày đó đến nay, nhiều người Hoa kỳ đã bắt chước trồng theo. Thậm chí nhiều thành phố khác đã xem việc trồng cây Bạch quả là một trong những dự án làm đẹp đường phố. Tại một vài nơi khác như tiểu bang South Carolina, người ta cũng đã nuôi trồng cây Bạch quả để cung cấp lá cho các nhà bào chế các sản phẩm dược thảo.
Ở Trung Hoa, từ cuối thế kỷ thứ 15, các đông y sĩ đã sử dụng Bạch quả như một dược thảo quan trọng. Nhưng mãi đến 500 năm sau, tức là vào năm 1965 tại nước Đức, tinh chất Bạch quả mới được nghiên cứu và đưa vào danh sách dược vị. Pháp và các quốc gia Âu châu khác cũng vậy. Tinh chất Bạch quả ở đây có vài tên thương mại khá phổ biến như Tanakan, Rokan, Tebonin. Không những thế, tại Mexico, Brazil, Argentina, các quốc gia miền Trung và Nam Mỹ, tinh chất Bạch quả cũng được ứng dụng vào việc điều trị.
Trong đời sống hàng ngày, dân gian Việt Nam thường dùng Bạch quả để nấu nhiều loại chè ngon miệng như chè Bạch quả Nhãn nhục, chè Bạch quả Khoai môn, chè Bạch quả Đu đủ… Loại nào cũng thơm ngon và hấp dẫn. Riêng tại Thái Lan, có món chè Bạch quả với Dừa, cũng rất ngon miệng.
Nói chung, hạt Bạch quả rất được quí trọng ở các quốc gia Á Châu, và sau này là các quốc gia Tây Phương. Người Trung Hoa thường đưa Bạch quả vào các món ăn trong các dịp quan trọng như ngày Tết hay hôn lễ chẳng hạn, cũng như là các món chay trong chùa. Người Nhật thường chế biến Bạch quả thành nhiều món ăn khác nhau…
B/ BẠCH QUẢ TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:
Theo nhận xét của Đông y, Bạch quả có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có độc tính nhẹ. Tác dụng trực tiếp vào Tâm, Phế và Thận. Có khả năng làm giảm các triệu chứng bệnh Suyễn khá hữu hiệu, chống Ho, hạ Đàm, giảm chứng tiểu đêm, hoặc đi tiểu nhiều lần trong ngày, trị chứng tiểu đêm trên giường của trẻ em. Làm giảm đáng kể bệnh huyết trắng của phụ nữ và bệnh di tinh của phái nam. Ngoài ra, Bạch quả còn có khả năng gia tăng sự lưu thông của máu trong động mạch và tĩnh mạch.
Theo các tài liệu Y học cổ, ngay từ thế kỷ thứ 15, người Trung Hoa đã biết sử dụng Bạch quả vào việc điều trị các chứng bệnh thuộc về Phổi như bệnh Suyễn, bệnh viêm Phổi và viêm cuống Phổi, các loại bệnh thuộc về hệ Tiêu hóa như tiêu chẩy, đầy bụng,... Bạch quả thường được kết hợp với các dược thảo khác nhằm gia tăng tác dụng điều trị. Người Nhật cũng dùng Bạch quả để trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh Suyễn, ho mãn tính, ho có đàm, suy giảm hô hấp…, giúp máu lưu thông tốt đẹp hơn.
Bạch quả có công năng trị chứng huyết trắng của phái nữ, và chứng suy Thận, cụ thể là di tinh của phái Nam. Trị bệnh tiêu chẩy ở của trẻ em, bệnh nhức đầu kinh niên của người lớn. Khi được kết hợp với các dược thảo khác, công năng của Bạch quả sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn nhiều. Bạch quả không có khả năng hạ huyết áp như một số người thường nghĩ, nhưng nếu phối hợp với các dược thảo khác, thì có thể góp phần vào việc điều hòa huyết áp, do khả năng giúp cho máu lưu thông được dễ dàng hơn, nên áp lực trong mạch máu cũng sẽ giảm được phần nào.
Một đặc điểm khác của hạt Bạch quả là khả năng xua đuổi các loài sâu bọ, thậm chí có thể giết được những loại này. Người Nhật bản ứng dụng đặc điểm này vào việc bảo trì sách vở, bằng cách đặt các hạt Bạch quả trên các kệ sách.
Bởi vì vỏ ngoài của hạt hàm chứa nhiều hóa chất thiên nhiên có tác dụng xua đuổi các loài sâu bọ, mối mọt phá hoại sách vở. Nhưng các hóa chất này cũng gây dị ứng ngoài da, đặc biệt với những ai có làn da nhậy cảm.
C/ BẠCH QUẢ TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:
Theo phân tích của phòng xét nghiệm, Bạch quả có nhiều hóa chất thiên nhiên ích lợi cho sức khỏe. Nhân của hạt chứa trên 5% protein, gần 70% tinh bột, 6% đường thiên nhiên và một ít chất béo. Vỏ chứa Ginkgolic acid, và một vài hóa chất khác. Trong khi đó thì lá chứa các nhóm hóa chất tên là Flavonoic và Tecpen, và một số acid amine. Bên cạnh đó, là một số khoáng chất và kim loại cần thiết cho cơ thể như Calci, Magnesium, Copper, Zinc… Tuy nhiên, bên cạnh các dưỡng chất trên, Bạch quả còn có một hóa chất có độc tính tên là Ginkgotoxin. Đó là lý do khiến chúng ta không nên ăn quá nhiều hạt Bạch quả, hoặc ăn liên tiếp nhiều ngày, nhất là hạt còn sống.
Một trong những nhận định rất quan trọng của Tây y về Bạch quả, không khác cách nhìn của Đông y. Đó là khả năng gia tăng sự tuần hoàn của máu trong Não bộ, và tại các động mạch ngoại biên, giảm chứng chóng mặt và ù tai... Bạch quả còn có khả năng chống lão hóa khá mạnh. Một số thí nghiệm trên loài chuột, và Mèo đều cho thấy Bạch quả duy trì sự lưu thông của máu trên Não, làm giảm nguy cơ tắc nghẽn các mạch máu Não. Bạch quả còn có thể chống lại chứng phù Não do độc tố hay do chấn thương. Và như vậy, một cách trực tiếp, Bạch quả có thể ngăn ngừa, và chống lại chứng Não Suy. (Biểu hiện của suy Não là kém trí nhớ, thiếu khả năng tập trung. Người bệnh mất ý chí, hay mệt mỏi. Thể lực suy giảm, tinh thần trở nên bi quan, hay lo lắng, chóng mặt, nhức đầu…). Theo các chuyên gia Y tế, những ai có nguy cơ cao về Tai biến Mạch Máu Não thì có thể dùng 120 mg đến 240 mg Ginkgo Biloba mỗi ngày.
Tại Hoa Kỳ, ở một vài nơi tiểu bang như tiểu bang South Carolina, người ta đã trồng và cung cấp lá Bạch quả cho các nhà bào chế các sản phẩm dược thảo. Lá Bạch quả có một thành phần hóa chất thiên nhiên tên là Ginkgo Flavone, có tác dụng chống lại bệnh Suyễn, kích thích sự lưu thông của máu, giảm đau, nhất là những cơn đau thắt, đau nhói vùng Tim do nghẽn động mạch vành, giúp cho máu lưu thông tốt hơn trong Não bộ.
Những ứng dụng trị liệu này đã có từ rất lâu, ví dụ như bệnh Suyễn có đàm hay không có đàm chẳng hạn. Các tài liệu Y học cổ còn ghi lại nhiều công thức kết hợp lá hoặc hạt Bạch quả với các dược thảo khác.
Về khả năng chống lại bệnh kém trí nhớ, hoặc ngăn ngừa bệnh Alzheimer’s bằng Bạch quả, hiện có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nhiều người cho rằng sau một thời gian uống thuốc Bạch quả, trí nhớ và khả năng nhận thức được tăng lên, có thể giúp đề phòng bệnh Alzheimer’s, tức là bệnh mất trí nhớ, và bệnh Tâm thần phân liệt. Nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có các bằng chứng khoa học về tác dụng này.
Trong khi đó thì tại đại học Virginia, Charlottesville Hoa Kỳ, giáo sư Steven DeKosky dẫn đầu một cuộc khảo cứu trên hơn 3000 người, ông cho mỗi người, mỗi ngày uống 2 viên thuốc Bạch quả, mỗi viên 120 mg trong một thời gian. Sau đó, ông và các nhà khoa học khác không ghi nhận được thay đổi nào đáng kể về khả năng ghi nhớ. Ngoài ra, giáo sư DeKosky còn lưu ý là không nên dùng Bạch quả quá lâu hoặc uống ở liếu quá cao, vì có thể có những phản ứng bất lợi cho cơ thể.
D/ VÀI LƯU Ý QUAN TRỌNG:
I/ LIỀU SỬ DỤNG AN TOÀN – CÁC DẤU HIỆU TRÚNG ĐỘC:
Về liều sử dụng an toàn, và các dấu hiệu trúng độc do Bạch quả, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
Trẻ em, dù có thích chè Bạch quả cũng không nên ăn quá 5 hạt trong một lần, hoặc trong nhiều ngày liên tiếp, có thể bị các phản ứng phụ như co giật cơ bắp… Phụ nữ có thai cũng không nên ăn Bạch quả. Và những ai đang uống các loại biệt dược chống đông máu như Wafarin, Aspirin, nên tránh ăn Bạch quả vì có thể gây xuất huyết, do tác dụng chống đông máu quá mạnh. Triệu chứng trúng độc có thể là nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, phát sốt, co giật, suy hô hấp, thậm chí hôn mê. Khi có những triệu chứng này, chúng ta cần ngưng ngay việc sử dụng Bạch quả và gặp các bác sĩ càng sớm càng tốt.
II/ DỊ ỨNG TỪ BẠCH QUẢ:
Khi dùng hạt Bạch quả để nấu chè hay chế biến thực phẩm, chúng ta cần lưu ý: nếu dùng Bạch quả trong hộp thì không có vấn đề gì, nhưng khi dùng hạt Bạch quả tươi, cần phải lấy đi phần vỏ trước khi nấu, vì vỏ ngoài của hạt có nhiều hóa chất gây dị ứng. Ngay cả khi lột vỏ hạt, chúng ta cũng cần đeo găng tay làm bếp (loại có thể bỏ đi sau một lần sử dụng), vì với những ai có làn da nhậy cảm, hạt Bạch quả tươi chưa lột vỏ có thể gây viêm da dị ứng, hoặc gây rộp da (blister).
Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
Tham khảo:
1/ "Ginkgo biloba", World Checklist of Selected Plant Families, Royal Botanic Gardens, Kew, retrieved 8 June 2017
2/ Company, Houghton Mifflin Harcourt Publishing. "The American Heritage Dictionary entry: ginkgo". www.ahdictionary.com.
3/ "Ginkgo biloba". Natural Resources Conservation ServicePLANTS Database. USDA. Retrieved 19 January 2016.
4/ Coombes, Allen J. (1994), Dictionary of Plant Names, London: Hamlyn Books, ISBN 978-0-600-58187-1
5/ Simpson DP (1979). Cassell's Latin Dictionary (5 ed.). London: Cassell Ltd. p. 883. ISBN 0-304-52257-0.
6/ Chandler, Brian (2000). "Ginkgo – origins". Ginkgo pages. Retrieved 22 November 2010.