TRÀ XANH – GREEN TEA
A/ DẪN NHẬP:
Trà có nguồn gốc xa xưa từ Trung Hoa, sau đó lan đến các quốc gia Á châu khác như Nhật Bản, Việt Nam, Đại hàn, Thái lan… Trà nói chung, đã được xem là một thức uống thanh tao từ hơn 4,000 năm trước, không chỉ thế, Trà còn được xem là một dược thảo, giúp cầm máu, làm cho vết thương mau lành, điều hòa thân nhiệt, kích thích tiêu hóa, làm hưng phần tinh thần… Tại các quốc gia Á Châu, Trà có mặt trong hầu hết mọi gia đình, là một thức uống trang trọng dành để tiếp đãi những người khách quí viếng thăm, trong những ngày lễ hội truyền thống dân tộc, trong những ngôi thờ tự, đền chùa… Tại những quốc gia này, việc thưởng thức Trà còn được nâng lên hàng nghệ thuật, không những thế, còn được tôn quí trong nghệ thuật Trà Đạo, một hình thức văn hóa nghệ thuật độc đáo của người Nhật Bản,
Cho đến vài thập kỷ vừa qua Trà Xanh (Green Tea) cũng đã bắt đầu được biết đến nhiều hơn, rồi lan rộng đến các quốc gia Tây phương, nơi thường được mệnh danh là xứ sở của Trà Đen. Cũng như Black Tea, Green Tea có rất nhiều loại. Sự khác biệt dựa trên cách thức cũng như các điều kiện trồng trọt, điều kiện tăng trưởng, cách chế biến và thời gian gặt hái. Trà Xanh được chế biến từ một loại lá trà tên là Camellia sinensis. Có nhiều tài liệu cổ, xưa nhất là một quyển sách mang tên Trà Kinh, do ông Lu Yu, sống vào đời nhà Đường, viết về Trà Xanh vào khoảng năm 780. Nội dung quyển sách này nói về nguồn gốc, cách thức trồng trọt, thu hái, chế biến và thưởng thức Trà Xanh.
B/ TRÀ XANH TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:
Theo quyển Trà Thư – Book of Tea, ấn bản năm 1,191 của Thiền sư Eisai người Nhật Bản, Trà Xanh ảnh hưởng tốt đến Ngũ tạng, Tâm Can Tỳ Phế Thận, đặc biệt là Tâm, có những tác dụng sau: kích thích tiêu hóa, chống khát, chống các tác dụng độc hại của rượu, chống sưng, chống mệt mỏi, lợi tiểu, ngăn ngừa sự suy thoái thần kinh, một căn bệnh mà y học ngày nay gọi là beriberi (một căn bệnh suy thoái hệ thần kinh do thiếu vit B1). Đặc biệt, Trà Xanh không gây mất ngủ, tuy nhiên, với những ai có hệ thần kinh quá nhậy cảm, có thể sẽ khó dỗ giấc ngủ hơn. Trong trường hợp đó, uống Trà Xanh vào buổi sáng sẽ tránh được tình trạng trên.
C/ TRÀ XANH TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:
Kể từ vài thập niên vừa qua, Trà Xanh đã là một đề tài gợi sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Trước tiên là một kết quả khảo sát của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ được công bố vào năm 2007. Kết quả này cho biết Trà Xanh chứa rất nhiều Flavonoids, đó là một nhóm hóa chất thực vật có khả năng chống lão hóa rất cao và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư. 1 ly Trà Xanh, nếu so sánh với 1 ly nước trái cây, nước rau, kể cả rượu nho, người ta nhận thấy lượng flavonoids trong Trà Xanh cao hơn rất nhiều.
I/ Tác dụng chống lão hóa:
Một số nghiên cứu khoa học khác cũng cho rằng, trong một mức độ nhất định, Trà Xanh có khả năng chống lão hóa, làm giảm nguy cơ bệnh Tim Mạch, và phòng ngừa một số bệnh Ung thư. Nhưng Trà Xanh không thể nâng chỉ số chuyển hóa năng lượng (metabolic rate) lên tới mức cần thiết để có thể làm giảm cân ngay lập tức. Tuy nhiên, hai chất polyphenols và caffein trong Trà Xanh lại có thể khiến cho nhiệt lượng cơ thể tăng lên (thermogenesis) và kích thích quá trình đốt chất béo, gia tăng chỉ số chuyển hóa 4%, mà không làm ảnh hưởng đến nhịp Tim. Ngoài một tinh chất rất quan trọng là Epigallocatechin gallate, gọi tắt là EGCG, Trà Xanh còn chứa đựng Carotenoids, vitamin C, vài kim loại như Chromium, Manganese, Zinc, và một số hóa chất thực vật khác. Trà Xanh có khả năng chống lão hóa mạnh mẽ hơn Trà Đen rất nhiều.
II/ Tác dụng hạ cholesterol xấu (LDL):
Trà Xanh không có nhiều tác dụng giảm lượng LDL như nhiều người thường nghĩ, nếu không muốn nói là không đáng kể. Tác dụng này chỉ mạnh mẽ ở Trà Đen, vốn hàm chứa rất nhiều Theaflavin, là một hóa chất thiên nhiên có tác dụng hạ cholesterol rất hiệu quả. Một điều người viết cần nhấn mạnh là, khi thí nghiệm trên động vật, người ta thấy là Trà Xanh có khả năng hạ cholesterol khá mạnh, và tất nhiên là giảm nguy cơ bệnh Tim Mạch. Nhưng khi thí nghiệm trên người thì tác dụng đó lại rất yếu ớt !
Tuy vậy, vào năm 2003, một nghiên cứu khác lại cho thấy, nếu dưỡng chất Theaflavin trong Trà Đen được kết hợp với tinh chất Trà Xanh EGCG thì khả năng hạ cholesterol sẽ gia tăng rất nhiều. Điều này có nghĩa là, nếu pha một ly Trà Xanh chung với Trà Đen, khả năng hạ cholesterol sẽ tăng lên, nhưng ngược lại, cơ hội mất ngủ sẽ nhiều hơn.
III/ Một vài kết quả khảo sát khác về Trà Xanh:
1/ Một khảo sát do “the Queen Margaret University”, Edinburgh trên một nhóm sinh viên tuổi từ 19 đến 37. Họ yêu cầu các sinh viên này không thay đổi cách ăn uống, nhưng uống thêm mỗi ngày 4 ly Trà xanh trong 14 ngày liên tiếp. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy: huyết áp hạ, lượng cholesterol giảm phần nào và chất béo cũng như thể trọng giảm đi so với trước đó.
2/ Một nghiên cứu trong năm 2011, tại Oregon State University cho thấy tinh chất EGCG trong Trà xanh tăng cường sức mạnh của hệ miễn nhiễm, và ngăn chận bệnh tự miễn (autoimmune disorder) của cơ thể. 3-3/ Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí “the Journal of the American Medical Association” số ra ngày 13 tháng 9 năm 2006 kết luận rằng: "Việc uống Trà Xanh có liên quan đến việc giảm tỉ lệ tử vong bởi nhiều nguyên nhân, kể cả bệnh Tim Mạch. Nhưng không giảm tỉ lệ tử vong do Ung thư”. Như vậy, những ghi nhận lạc quan về Trà Xanh còn cần phải kiểm chứng thêm. Ngay đến cả cơ quan FDA, vào tháng 6 năm 2005, và vào tháng 9 năm 2006 cũng chưa chính thức công nhận hai tác dụng mà nhiều kết quả nghiên cứu khác thường nhắc đến là chống Ung Thư, và chống bệnh Tim Mạch.
IV/ Vài điều cần lưu ý khi uống Trà Xanh:
1/ Những ai đang điều trị Ung thư: Năm 2009, một nghiên cứu của trường Đại học USC (the University of Southern California) cho biết là những ai đang điều trị Ung thư cần lưu ý là tinh chất Trà Xanh EGCG đậm đặc có thể làm giảm tác dụng của một biệt dược chống Ung thư là Bortezomib.
2/ Các trường hợp khác: Tinh chất Trà xanh, nếu dùng nhiều quá cũng làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu, phụ nữ đang đang thai nghén cũng không nên dùng Trà Xanh. Bên cạnh đó, tự điển Dược khoa Hoa kỳ năm 2008, đã ghi nhận một báo cáo về 216 trường hợp dùng Tinh chất Trà Xanh quá liều, trong số đó, có 34 trường hợp Gan bị tổn thương.
3/ Liều lượng an toàn: Mỗi ngày chúng ta chỉ nên uống từ 1 đến 2 ly Trà Xanh mà thôi. Liều lượng pha thích hợp là một muỗng cà phê Trà Xanh pha với 5 ounces nước (150ml). Nhiệt độ nước nóng thích hợp là từ 61 độ C cho đến 87 độ C (hoặc từ 140 đến 190 độ F).
D/ KẾT LUẬN:
Đông y và Tây y đều đề nghị cho chúng ta rất nhiều phương cách để giảm cân, phương cách nào cũng tốt cả: tập thể dục, ăn uống lành mạnh, ít ăn ngọt… Dù không góp phần vào việc giảm cân, hay hạ cholesterol xấu một cách hiệu quả như nhiều người mong muốn, nhưng những ích lợi của Trà Xanh như chống lão hóa, tăng cường sinh lực, tăng cường chức năng của hệ thần kinh… cũng đã góp phần rất lớn vào việc duy trì sức khỏe lâu dài và một cuộc đời hạnh phúc !
Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
Tham khảo:
1/ Khan N, Mukhtar H (2013). "Tea and health: studies in humans". Current pharmaceutical design (Literature Review). 19(34): 6141–7. doi:10.2174/1381612811319340008. PMC 4055352. PMID 23448443.
2/ Dattner, Christine; Boussabba, Sophie (2003). Emmanuelle Javelle, ed. The Book of Green Tea. Universe Books. p. 13. ISBN 978-0-7893-0853-5.
3/ "Green tea". Complementary and Alternative Medicine Guide. University of Maryland Medical Center. Retrieved 3 May 2015.
4/ I.T. Johnson & G. Williamson, Phytochemical functional foods, Cambridge, UK: Woodhead Publishing, 2003, pp. 135-145.
5/ "Update on the USP Green Tea Extract Monograph". USP. April 10, 2009.
6/ A.H. Pressman & S. Buff, The complete idiot's guide to vitamins and minerals, New York: New York Alpha Books, 1997, p. 283.