ĐINH LĂNG- POLYSCIAS FRUTICOSA
A/ DẪN NHẬP:
Với những nghệ nhân có thú sưu tầm cây kiểng, không ai xa lạ gì với cây Đinh Lăng, đó là một loại cây kiểng có dáng vẻ rất thanh tao, trang nhã, đôi khi có phần cổ kính, tùy theo cách tạo dáng của con người. Vì thế, cây Đinh Lăng thường được chưng bầy trong nhà hoặc ở những nơi thờ phượng …
Đinh Lăng là một loại cây dễ uốn nắn và cắt tỉa, càng được cắt tỉa, chăm sóc bao nhiêu thì lại càng đẹp bấy nhiêu. Các tàng lá càng mọc dầy lên, cũng vì vậy, dù được duy trì ở một vóc dáng nhỏ bé, hoặc để phát triển tự nhiên cao đến vài feet, cũng khiến người xem hình dung đến một cây đại thụ thu nhỏ. Có lẽ vì thế mà người ta có thường nhìn cây Đinh Lặng dưới con mắt nghệ thuật hơn là dược thảo.
Đinh Lăng cũng có mặt trong nghệ thuật Bonsai của người Nhật. Người chơi Bonsai có thể hãm sự phát triển, khiến cây chỉ mọc cao không quá 12 inches, tạo nên một sự tương phản rất độc đáo và nghệ thuật. Lá cây nhỏ bé càng được cắt tỉa thì lại càng dầy lên, và gốc cây mỗi ngày một lớn. Tất cả tạo nên một hình ảnh thiên nhiên thu nhỏ trước sân nhà, trong phòng khách…
Tuy nhiên, cũng như tất cả mọi thứ trong đời, cây Đinh Lăng cũng có một số phận thăng trầm của nó. Một thời gian khá lâu, tự dưng cây bị quên lãng, nhưng rồi sau đó lại xuất hiện trở lại trong các bộ sưu tập của những nhà sưu tầm Bonsai.
B/ NGUỒN GỐC & PHÂN LOẠI:
Cây Đinh Lăng bắt nguồn từ các vùng đảo Thái bình dương, quần đảo Polynesia và các quốc gia Đông nam á, trong đó có Việt nam. Cây thích hợp với khí hậu nhiệt đới, có khoảng 6 loại. Loại được đề cập trong bài viết này là cây Đinh Lăng Lá Nhỏ, trong 6 loại, đây là loại có nhiều dược tính nhất. 6 loại Đinh Lăng có tên như sau:
1/ Đinh Lăng Lá Nhỏ còn được gọi là Đinh Lăng Nếp, Cây Gỏi Cá (vì lá thường được dùng để ăn chung với món gỏi cá), ngành Đông y gọi đó là Nam Dương Sâm, vì cũng được xem là một loại Sâm.
2/ Đinh Lăng Đĩa, có lá rất to, và ít được biết đến.
3/ Đinh Lăng Lá Răng, lá to như cái đĩa và viền lá có hình răng cưa.
4/ Đinh Lăng Viền Bạc, hoặc là Đinh Lăng Lá Bạc, loại này có hình dáng đẹp nên cũng được dùng trang trí trong nhà như là một dạng Bonsai.
5/ Đinh Lăng Lá To
6/ Đinh Lăng Lá Tròn.
Một điều cần lưu ý là có một loại cây có thân, lá và hoa rất giống cây Đinh Lăng, nhưng đó là cây Cơm Cháy. Chỉ những nghệ nhân Bonsai mới biết điều này, vì trong thực tế đã có nhiều người tưởng lầm. Trong những dịp lễ hội, có nhiều người rao bán củ Đinh Lăng, nếu người mua không chú ý sẽ mua lầm, bởi đa số được bán theo dạng củ, nên thật khó biết chắc loại củ nào sẽ cho ra cây như ý muốn người mua.
Cây Đinh Lăng Lá Nhỏ có thể cao từ 6 đến 8 feet, tàng lá có thể xòe rộng từ 2 đến 3 feet, hoa có mầu vàng nhạt cho đến mầu trắng, có trái, nhỏ, hình dẹt và có mầu trắng bạc, lá kép, lúc nào cũng có màu xanh (evergreen), chịu được nắng nhưng thời tiết thích hợp nhất lại là mùa Đông.
C/ ĐINH LĂNG TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:
Như đã nói, cây Đinh Lăng Lá Nhỏ còn có tên là Đinh Lăng Nếp, cây Gỏi Cá và Đông Y gọi là Nam Dương Sâm. Vì một trong những dược tính của Đinh Lăng là bổ Khí giống như Sâm. Đinh Lăng có tên khoa học là Polyscias Fruticosa, nhưng tên thường được dùng nhất có tên là Ming Aralia.
Nói chung, Đinh Lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, tác dụng trực tiếp vào ngũ tạng: Can, Tâm, Tỳ, Phế, Thận. Phần xử dụng là rễ, lá, thân và cành, trong đó, rễ và lá được xử dụng nhiều nhất.
Sự khác biệt của rễ lá thân cành không những về hương vị mà còn về tác dụng. Rễ có vị ngọt và hơi đắng, có tác dụng kích thích sự lưu thông của Kinh Mạch và bồi bổ Khí huyết, có thể kết hợp với các dược vị khác chữa bệnh Kiết lỵ, Ho ra máu, trị đau nhức. Lá lại có vị đắng, tính mát, giải độc, chống dị ứng, nhất là dị ứng từ thực phẩm.. Đối với những phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ, lá Đinh Lăng có thể làm cho tia sữa lưu thông, đồng thời, có thể dùng để nấu canh với cá hoặc thịt để tẩm bổ cho phụ nữ sau khi sinh nở.
KINH NGHIỆM DÂN GIAN:
Để làm dược thảo, người ta thường thu hoạch vào mùa Đông, vì đó là thời điểm mà cây Đinh Lăng có nhiều hoạt chất nhất, đặc biệt là phần rễ. Rễ lớn thì được dùng phần vỏ rễ để làm thuốc, rễ còn nhỏ thì dùng vỏ và cả phần lõi bên trong. Thường thì người ta phơi nắng rễ cho khô trước khi xử dụng.
Rễ Đinh Lăng có nhiều công dụng, nếu muốn tăng cường tính bồi bổ, người thầy thuốc thường chế biến, sao tẩm với rượu gừng, rồi sau đó sao cho vàng, rồi lại tẩm Mật Ong trước khi sao lần nữa. Những cách chế biến trên được thực hiện tùy theo nhu cầu của từng bệnh nhân.
Tại Thái Lan, người dân thường ăn lá Đinh Lăng với những món cay như cà ri hoặc dùng làm gia vị. Theo họ, Đinh Lăng Lá Nhỏ có nhiều tác dụng như: bồi bổ cơ thể kéo dài tuổi thọ, chống sưng, giải độc, chống nhiễm trùng, hỗ trợ tiêu hóa.
Trong khi đó thì rễ Đinh Lăng lại có tác dụng lợi tiểu, hạ sốt, trị kiết lỵ, trị đau nhức thần kinh, cơ bắp và đau các khớp xương.
Đinh Lăng Lá Nhỏ là một dược thảo rất độc đáo, có thể nói là đa năng vì có nhiều tác dụng khác biệt nhau. Khả năng bồi bổ sinh lực đã được ghi chú trong các tài liệu dược thảo từ xưa. Kết quả những cuộc nghiên cứu khoa học hiện nay cũng cho biết, Đinh Lăng hàm chứa Saponin, vốn là một dưỡng chất chính yếu trong các loại Sâm, đó là lý do khiến loại Đinh Lăng này còn được gọi là Nam Dương Sâm.
Dù được xem là một loại Sâm, tuy không mạnh mẽ như các loại Sâm truyền thống, nhưng vẫn giúp tăng cường sức khỏe, gia tăng sức chịu đựng, sức bền, đặc biệt cho các lực sĩ trong những cuộc tranh tài kéo dài.
KINH NGHIỆM CHUYÊN KHOA ĐÔNG Y:
Theo Hải Thượng Lãn Ông, vị Tổ sư của ngành Đông y Việt Nam, Đinh Lăng Lá Nhỏ có những tác dụng như sau:
1/ Rễ kích thích sự lưu thông của tuyến sữa, gia tăng lượng sữa mẹ.
Cách xử dụng như sau:
Dùng từ 8 - 12g Rễ Đinh lăng, sao vàng. Sau đó, sắc với 3 chén nước còn 1 chén. Bài thuốc này còn có tác dụng giảm đau cho phụ nữ sau khi sanh. Khi cần thiết, chúng ta có thể thêm vào đó 3 lát gừng già để gia tăng hiệu quả của bài thuốc.
2/ Lá có tác dụng trị chứng Tắc sữa, Viêm Tuyến Sữa.
Cách xử dụng như sau:
Lá Đinh Lăng (sao vàng hạ thổ) kết hợp với thang Tứ Vật gia giảm gồm có: Sinh địa, Xích thược, Xuyên khung, Đương qui, Kim ngân hoa, Liên kiều, Trần bì.
Sắc bằng siêu, 3 chén nước còn 1 chén. Liệu trình từ 3 đến 6 ngày.
3/ Bồi bổ khí huyết:
Rễ Đinh Lăng, kết hợp với thang Tứ Vật gia giảm gồm có: Thục địa, Bạch thược, Xuyên khung, Đương qui, Hà thủ ô.
Tất cả sắc với 3 chén nước, cho đến khi cạn còn 1 chén. Uống trong ngày. Và có thể dùng 10 thang trong 10 ngày liên tiếp.
Và giúp Lưu Thông Khí Huyết, chúng ta có công thức sau:
4/ Tăng cường tuần hoàn Não, Trị Thiếu máu cơ Tim: Rễ Đinh Lăng 8 grams, Bạch quả 8 grams. Chưng cách thủy trong vòng 1 giờ đồng hồ, tính từ khi nước sôi. Mỗi ngày một lần, uống liên tiếp từ 6 đến 10 ngày.
5/ Trị đau nhức: Dùng thân hoặc cành Đinh lăng để phối hợp với các vị thuốc đặc trị đau nhức khác như Khương hoạt, Uy Linh Tiên, Quế chi…, Liều lượng của công thức này cần đến sự chẩn đoán và ấn định của một thầy thuốc chuyên khoa.
6/ Tăng cường sinh lực: Dùng từ 100 đến 150 grams Đinh Lăng, Nấu với ½ lít nước, để sôi trong 30 phút. Để uống trong ngày và có thể dùng 7 ngày liên tiếp.
D/ ĐINH LĂNG TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:
Dựa theo kết quả các phân tích trong phòng xét nghiệm, các nhà khoa học cho biết: trong Rễ Đinh lăng có nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin B1, B2, B6, C và 20 dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, trong số đó, có những loại amino acid không thể thay thế được như Lyzin, Methionin… Nhưng điểm đặc biệt nhất, Rễ Đinh Lăng hàm chứa nhiều Saponin giống như Sâm.
ÍCH LỢI CỦA ĐINH LĂNG:
Tăng cường sức mạnh của hệ Miễn nhiễm, tăng cường chức năng Gan, kích thích tuần hoàn đặc biệt tại Não, kích thích hoạt động của Não Bộ, giúp giảm căng thẳng và lo âu. chống Lão hóa, kéo dài tuổi thọ, chống sưng, chống đau nhức thần kinh, cơ bắp và các khớp xương.
Rất hiệu quả đối với các trường hợp rối loạn tiêu hóa, và bệnh kiết lỵ.
E/ LƯU Ý:
Dù không mạnh như các loại Sâm truyền thống, nhưng nếu lạm dụng sẽ gây ra những phản ứng bất lợi cho cơ thể. Các cuộc nghiên cứu gần đây cho biết, rễ Đinh Lăng có nhiều saponin, nếu dùng liều cao và thường xuyên, có thể sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, có khi tiêu chẩy, rối loạn tiêu hóa v.v…
Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
Tham khảo:
1/ Yen, T T; Knoll, J (1991). "Extension of lifespan in mice treated with Dinh lang (Policias fruticosum L.) and (-)deprenyl".
2/ Acta Physiologica Hungarica. 79 (2): 119–124. PMID 1304677. Retrieved 5 Oct 13.