MĂNG CỤT – MANGOSTEEN



A/ DẪN NHẬP:

Măng Cụt là một loại trái cây nổi tiếng của các quốc gia miền nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Những ai đã từng thưởng thức sẽ thật khó quên hương vị độc đáo của loại trái cây này. Các chuyên gia Đông Y đều đánh giá rất cao các tác dụng dược lý, và những công trình nghiên cứu khoa học hiện đại cũng xác nhận, đó là một loại trái cây đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe con người. Vỏ có mầu sắc tím rất đẹp, khá dầy và cứng, hương vị của từng múi Măng Cụt thật là khó quên,

B/ NGUỒN GỐC:

Có nguồn gốc từ hai quần đảo tên là Sunda Island và Moluccas của Indonesia, trải qua nhiều niên đại, loại trái cây này được gieo trồng thêm tại đảo Java, Sumatra, rồi có mặt ở các quốc gia miền Đông Nam Á như Cambodia, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam, và Phi Luật Tân kể từ thời xa xưa. Đó là những quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Mãi cho đến năm 1855, cuối thế kỷ thứ 19, Măng Cụt mới được giới thiệu đến Anh quốc, nhưng chỉ được nuôi trồng trong nhà kính với một môi trường thích hợp. từ đó Măng Cụt được giới thiệu đến các quốc gia vùng Caribbean, và sau đó là Nam Mỹ.

Thời kỳ đó, Măng Cụt được giới thiệu đến VN qua đường giao thương từ nhiều hướng, và cũng do các giáo sĩ Tây phương đem đến qua đường truyền đạo. Đi đến đâu Măng Cụt cũng đều được ưa chuộng một cách đặc biệt. Lịch sử Anh quốc ghi nhận Nữ hoàng Victoria Anh quốc đã từng ban tước Hiệp sĩ và tặng 100 bảng Anh cho những ai đem đến cho bà trái Măng Cụt vừa mới thu hoạch. Đó là một số tiền thưởng rất lớn thời bấy giờ. Vào năm 1930, một chuyên gia thực vật của Hoa Kỳ cũng từng ca tụng Măng Cụt là Nữ Hoàng Trái Cây. Và còn nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử, có người từng vượt hàng ngàn cây số, tìm đến các quần đảo của Indonesia chỉ để được thưởng thức trái MC.

Nhưng cuối cùng, trái Măng Cụt tươi lại có mặt tại Hoa Kỳ rất trễ, chỉ mới từ năm 2007 thôi. Bởi vì Hoa Kỳ đã hạn chế nhập cảng loại trái cây này, và sự hạn chế này chỉ áp dụng cho Măng Cụt còn nguyên trái, loại đóng hộp thì không. Trước năm 2007, trái Măng Cụt khi chưa được hun khói hoặc chưa được rọi các tia bức xạ thì không được nhập vào HK. Việc hun khói hoặc rọi các tia bức xạ có mục đích để giết tất cả các loài bọ bay bám trên vỏ trái MC. Nhưng đến năm 2007 thì qui định này được bãi bỏ, và kể từ lúc đó, chúng ta mới thấy trái Măng Cụt tươi được bầy bán ngoài chợ. Ngay khi được nhập cảng vào Hoa Kỳ năm 2007, Măng Cụt đã trở thành một loại trái cây cao cấp, có giá rất mắc, chỉ được bán tại các nhà hàng sang trọng. Tại New York trong thời điểm đó, Măng Cụt có giá 60 dollars / pound, phần lớn được nhập cảng từ Thái Lan và một số lượng nhỏ từ Puerto Rico. Măng Cụt hộp thì tất nhiên có giá thấp hơn, nhưng hương vị độc đáo bị mất đi rất nhiều khi đóng hộp. Đó là giá của năm 2007, đến nay thì đã thấp hơn nhiều, vì về sau này, Măng Cụt được nhập vào Hoa Kỳ nhiều hơn, từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả từ Việt Nam.

C/ ĐẶC TÍNH VÀ PHÂN LOẠI:

Măng Cụt là loại trái cây của miền nhiệt đới, thích hợp với khí hậu nóng. Tại Anh Quốc, các nông gia đã phải nuôi trồng Măng Cụt trong nhà kính để giúp cây phát triển dễ dàng. Theo các nhà thực vật học, nhiệt độ lý tưởng để Măng Cụt được vững mạnh là khoảng từ 25 độ C đến 35 độ C, với độ ẩm là 80%, và sẽ không thể sống với nhiệt độ O độ C, tức là 32 độ F. Không những thế, những cây non, vừa mới nẩy mầm rất cần bóng mát, nếu không thì khó có thể sống được. Và nếu được đáp ứng những điều kiện nhiệt độ và khí hậu tốt, cây Măng Cụt có thể sống đến 100 năm. Lần đầu tiên ra trái, cây có thể sản xuất được từ 200 đến 300 trái, khi trưởng thành, trung bình mỗi cây có thể cho đến 500 trái, nhưng đến năm thứ 40, với sự trưởng thành trọn vẹn, mỗi cây có thể cho tới 3000 trái.

Điều đó cho thấy, sức sống của cây Măng Cụt rất mạnh mẽ và tuổi thọ khá dài so với nhiều loại cây ăn trái khác. Nói về sản lượng thu hoạch hàng năm, các quốc gia vùng Động Nam Á là nơi có sản lượng lớn nhất. Và Thái Lan là quốc gia trồng nhiều nhất, năm 2000, họ đã dành ra 11,000 hecta chỉ để trồng Măng Cụt với sản lượng 46 ngàn tấn MC mỗi năm. Kế tiếp là Indonesia, Malaysia và Philippines. Các nơi khác như vùng Nam Mỹ, các hòn đảo vùng Caribbean Islands, vài tiểu bang tại Hoa Kỳ như Florida, California, Hawaii... , sản lượng không đáng kể, riêng Puerto Rico đang thành công trong việc trồng và thu hoạch Măng Cụt.

Măng Cụt gần như chỉ có 3 loại, nhưng nói chung, tất cả đều có vỏ mầu đỏ khi chưa chín và trở thành tím đỏ hoặc là tím đậm khi đã chín. Loại thứ nhất là loại chúng ta thường thấy, loại thứ hai ở một hòn đảo có tên là Sulu Island thuộc Phi luật tân, trái to hơn, vỏ dầy hơn, phần ruột có nhiều acid hơn và hương vị thơm nồng hơn, loại thứ ba ở North Borneo thuộc về Malaysia, dường như có nguồn gốc hoang dã, mỗi trái chỉ có 4 múi mà thôi.

D/ MĂNG CỤT TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:

Đông y gọi Măng Cụt là Sơn Trúc Tử, tên bắt nguồn từ Trung Hoa, mặc dù Măng Cụt không có mặt ở quốc gia này. Vỏ được xem là một dược thảo quan trọng, có vị đắng và chát. Kinh nghiệm dân gian và chuyên khoa Đông y thường dùng vỏ Măng Cụt để trị bệnh tiêu chẩy, và bệnh kiết lỵ. Tất nhiên, MC còn nhiều tác dụng khác có lợi cho sức khỏe, nhưng đó là 2 tác dụng nổi tiếng nhất.

VÀI CÔNG THỨC DÙNG MĂNG CỤT TRỊ BỆNH:

Theo kinh nghiệm Đông Y, để trị bệnh Tiêu chẩy hoặc bệnh kiết lỵ, chúng ta có 2 công thức đơn giản như sau:

1/ Dùng vỏ 10 trái Măng Cụt cho vào một nồi đất, đổ nước ngập qua vỏ, đun sôi trong vòng 15 phút, (tính từ lúc nước sôi), sau đó tắt lửa, chờ nguội rót vào chén. Mỗi ngày uống 3 chén sẽ có thể chận đứng tình trạng tiêu chẩy.

2/ Hoặc dùng công thức sau: Dùng 60 grams vỏ trái Măng Cụt, 5 grams hạt thìa là, và 1,2 lít nước. Đun trên bếp đến khi nước trong siêu cạn đi 1 nửa. Ngày uống 2 lần, mỗi lần uống khoảng 120 ml. Lý do vỏ Măng Cụt được dùng làm vị thuốc chính trong hai công thức vừa rồi vì có vị chát khá mạnh.

Kinh nghiệm này không chỉ có ở VN, mà còn có ở các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á. Như tại Malaysia chẳng hạn, người ta còn dùng vỏ Măng Cụt phơi khô sắc thuốc uống để đối phó với những vấn đề bệnh lý thuộc về đường tiểu. Đó là kinh nghiệm của Đông y, trong khí đó thì y học hiện nay không những công nhận hai tác dụng nói trên, mà còn tìm ra được nhiều ích lợi khác cho sức khỏe nữa.

E/ MĂNG CỤT TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:

Theo các kết quả phân tích từ phòng xét nghiệm, ruột trái Măng Cụt là phần ăn được hàm chứa nhiều vitamins A, B1, B2, B3, B5, B6 B9, C và nhiều khoáng chất và kim loại cần thiết như: Calci, Sắt, Magnesium, Manganese, Phosphous, Copper, Potassium, Sodium, Kali, Natri và Kẽm. Có thể nói, Măng Cụt là một nguồn sinh tố rất dồi dào, phong phú.

Trải qua nhiều công trình khảo cứu suốt 30 năm, cùng với nhiều kết quả xét nghiệm và phân tích, các nhà khoa học đã ghi nhận, Măng Cụt có những tác dụng như sau:

1/ Trị bệnh Tiêu chẩy và Kiết lị.

2/ Chống sưng: Chống dị ứng, chống sưng, bên ngoài và bên trong cơ thể.

3/ Bảo vệ Tim mạch: Kết quả một cuộc nghiên cứu do Đại học Madras thuộc Ấn Độ thực hiện cho thấy: hoạt chất alpha-mangostin có trong Măng cụt có thể làm sạch và duy trì được độ đàn hồi của mạch máu, từ đó hạn chế nguy cơ bệnh Tim mạch.

4/ Tiểu đường loại II: Măng Cụt hàm chứa 2 hoạt chất thiên nhiên tên là Axit Tannic và OPCs (proanthocyanidin oligomeric), giúp ổn định lượng đường trong máu.

5/ Giảm nguy cơ Ung thư: Vì vỏ hàm chứa 1 hóa chất thiên nhiên có tên là Xanthones, có công năng hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư Ruột già và loại các tế bào ung thư ra ngoài cơ thể. Theo nhiều kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Quốc tế về Ung thư vào năm 2016 cho thấy: Măng Cụt có khả năng phòng chống và hỗ trợ chữa trị các loại ung thư như ung thư ruột già, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư da.

6/ Bảo vệ làn da: Chống viêm da, chống dị ứng da, chống lão hóa da, giảm nguy cơ bệnh chàm (eczema). Hơn thế nữa, Măng Cụt còn có công năng giảm nguy cơ bệnh ung thư da. Để khắc phục những tổn thương của làn da, người ta đã bào chế một loại ointment dùng ngoài da để điều trị bệnh Chàm và các vấn đề bệnh lý khác của da.

7/ Rối loạn kinh nguyệt: Rễ cây Măng Cụt có thể được dùng như một dược vị có công năng điều hòa kinh nguyệt.

8/ Chống Lão hóa: Các dưỡng chất trong Măng Cụt có khả năng chống lão hóa cực mạnh, làm lành các tế bào bị tổn thương, và hạn chế các tác nhân gây tổn thương tế bào. 2 hóa chất thiên nhiên có tên là Xanthones và Catechin, cùng 3 loại vitamins A, C và E là những dưỡng chất lý tưởng cho làn da.

9/ Giúp hệ Thần kinh luôn vững mạnh: Do sự có mặt của hóa chất thiên nhiên Trytopan, khi vào cơ thể sẽ tạo ra chất Serotonin, có đặc tính giúp cho tinh thần luôn lạc quan và hưng phấn.

10/ Giảm cân: giảm cân nhanh chóng mà vẫn duy trì sức khỏe. Vì Măng Cụt không có nhiều calories, nhưng lại có nhiều chất xơ. Bên cạnh đó, các hóa chất thiên nhiên trong Măng Cụt giúp tăng cường biến dưỡng, làm giảm chất béo rất nhiều.

F/ VÀI ĐIỀU CẦN LƯU Ý VỀ MĂNG CỤT:

1/ Không nên ăn quá nhiều Măng Cụt: Vì có thể bị dị ứng nhẹ như nổi mề đay, ngứa, sưng, đôi khi khó thở và thậm chí phát ban với những ai quá nhậy cảm.

2/ Không nên ăn liên tiếp nhiều ngày: Một nghiên cứu của Trung Tâm Ung thư Memorial Sloan Ketting tại Hoa Kỳ cho biết: Những ai ăn Măng Cụt mỗi ngày trong 12 tháng liên tiếp sẽ có thể bị nhiễm một loại hóa chất thiên nhiên tên là Acit Lactic, với các triệu chứng suy nhược, buồn nôn. Nếu điều trị chậm trễ sẽ có thể bị shock và dẫn đến tử vong.

3/ Hợp chất Xanthones trong Măng Cụt: có thể làm cản trở quá trình đông máu. Vì thế, trước khi có một cuộc giải phẫu hoặc nhẹ hơn là nhổ răng chẳng hạn, chúng ta nên tránh ăn Măng Cụt ít nhất 2 tuần trước ngày làm phẫu thuật.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.

Tham khảo:

1/ https://www.organicfacts.net/health-benefits/fruit/mangosteen.html

2/ https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-1081/mangosteen

3/ https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C4%83ng_c%E1%BB%A5t