CẦN TÂY – CELERY

A/ DẪN NHẬP:

Cần Tây là một loại rau rất quen thuộc với người Đông phương cũng như Tây phương, từ ngàn xưa đã là một dược thảo quan trọng trong đời sống của những nền văn minh cổ đại, nhất là Ai Cập.

Cần Tây (Celery) và Cần Ta (Water Dropwort) đều cùng thuộc một họ thảo mộc, thuộc họ Hoa tán. Nhưng bởi vì hai loại rau cần này sống và phát triển trong những điều kiện thiên nhiên khác nhau nên không những có hình dáng khác biệt, mà tác dụng dược lý cũng hoàn toàn khác nhau. Trong khi Cần Ta có tên là Cần Nước, vì mọc dưới nước, hoặc gọi cho văn vẻ hơn là Thủy Cần, thì Cần Tây vì mọc trên cạn, nên còn được gọi là Cần Cạn, và cũng được gọi là Dược Cần. Cần Ta còn có tên là Rau Cần Cơm, hay Rau Cần Ống, sống lâu hơn Cần Tây, trong khi Cần Tây chỉ sống được 2 năm là tối đa. Một cách tổng quát, Cần Ta là một loại rau thơm có tác dụng giải nhiệt, chống sưng rất hiệu quả, kinh nghiệm Đông y cho rằng Cần Ta có tác dụng trị liệu tốt trong các trường hợp viêm Gan vàng da, phù thủng, nhiễm trùng đường tiểu, tiểu tiện ra máu, bệnh quai bị, trẻ em bị sốt dai dẳng, đau răng, sưng nướu răng do nội nhiệt...

Trong khi đó thì Cần Tây lại có tác dụng hạ Huyết áp, giảm mỡ trong máu, giảm các đau nhức do viêm Khớp Xương, do Phong Thấp, do bệnh Gout.. .

B/ NGUỒN GỐC:

Có lẽ Cần Tây đã có mặt từ rất lâu trong đời sống con người. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết những chiếc lá rau Cần Tây dùng để trang trí bên trong ngôi mộ của một vị vua nổi tiếng Ai Cập là pharaoh Tutankhamun, qua đời vào năm 1323 trước Công nguyên. Và những khám phá khảo cổ khác cũng cho biết là vào thời kỳ này, Cần Tây đã được con người trồng trọt và thu hái.

Có lẽ Cần Tây khá phổ biến trong thời kỳ đó, nên người ta cũng tìm thấy những đồng tiền cổ có khắc hình lá Cần Tây vào khoảng 500 năm trước Công nguyên. Những dấu vết của nền văn minh Hy Lạp cũng cho thấy Cần Tây khá là quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Mãi đến nhiều thế kỷ về sau, Cần Tây mới được du nhập vào Âu châu và các quốc gia khác trên thế giới, và được ghi nhận vào cuối thế kỷ thứ 17 tại Anh quốc (1664). Và mãi đến năm 1753, tức là hậu bán thế kỷ thứ 18, Cần Tây mới được ghi nhận một cách khoa học trong danh mục các loại rau quả trên thế giới.

Về sau này, qua nhiều phương pháp nuôi trồng, các nhà thực vật học đã tìm cách thay đổi hương vị của Cần Tây khá nhiều, làm cho bớt đắng, và có thêm nhiều vị ngọt. Một điểm thú vị là cho đến đầu thế kỷ thứ 19, các nông gia còn tìm cách nới rộng thời gian trồng trọt và thu hoạch mỗi năm, từ đầu tháng 9 kéo dài cho đến cuối tháng 4, thay vì trước đó, chỉ có thể trồng và thu hoạch vào mùa Đông cho đến đầu mùa Xuân.

Nhờ thay đổi phương pháp canh tác, con người đã gia tăng thời gian trồng và thu hoạch thêm được 4 tháng mỗi năm, đó là một thành công đáng kể !

Riêng tại Việt Nam, Cần Tây cũng có 2 loại. Loại được các nông gia nuôi trồng, thu hoạch, và loại mọc hoang thường thấy ở các vùng thung lũng, hay rừng núi. Cần Tây ngon nhất, và được thu hái nhiều nhất vào mùa Thu và mùa Đông. Người Việt chúng ta rất thích loại rau này vì thơm ngon và rất hợp khẩu vị trong nhiều món ăn như: Cần Tây xào với thịt bò, các món xúp, canh chua... Nhưng thật ra, Cần Tây cũng có mặt trong nhiều món khác, như món súp chẳng hạn. Người Âu châu cũng vậy, Cần Tây luôn có mặt trong các món súp, và họ thường nấu chung với hành tây, cà rốt...

Nói đến Cần Tây, thì không thể không nhắc đến hạt Cần Tây. Ở những quốc gia miền ôn đới, có khí hậu mát mẻ, người ta thường trồng Cần Tây bằng hạt mầm. Hạt Cần Tây còn được dùng làm gia vị trong các bữa ăn, được dùng để chế biến cùng với muối thành một loại muối ăn gọi là muối Cần Tây để làm gia vị cho các món rau trộn. Hạt Cần Tây còn được dùng trong kỹ nghệ bào chế dược phẩm, và đặc biệt, một loại tinh dầu dễ bay hơi trong hạt Cần Tây còn được dùng để chế biến nước hoa. Tinh dầu hạt Cần Tây có hương thơm thanh khiết, chính vì thế mà từ ngàn xưa, các nền văn minh cổ đại thường dùng lá Cần Tây trong các lễ hội văn hóa, trong các nghi thức tôn giáo, trong tang lễ... thậm chí người ta còn dùng lá Cần Tây làm biểu tượng trang sức cài trước ngực.

C/ CẦN TÂY TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:

Theo nhận xét của Đông y, Cần Tây còn gọi là Dược Cần có vị hơi ngọt và đắng, tính mát, tác dụng trực tiếp vào Can, Tâm, Phế và Tỳ, với tác dụng giải nhiệt độc, hỗ trợ chức năng Gan và hệ Tiêu hóa, tăng cường chức năng Tim Mạch, với các công năng hạ Huyết áp, giảm mỡ trong máu, hạ cholesterol xấu - LDL và gia tăng lượng cholesterol tốt - HDL, giảm đau nhức, giúp ngủ ngon.

VÀI CÔNG THỨC DƯỢC THẢO

I/ 5 CHẤT XANH: Gồm Cần Tây, Ớt Chuông, Dưa Leo, Khổ Qua và Táo, có công năng hạ Cholesterol, giảm mỡ trong máu, hạ huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu và chống lão hóa rất hiệu quả. Công thức đó như sau:

1/ 2 bẹ Cần Tây

2. ½ trái Ớt Chuông - Bell Pepper (bỏ hột)

3/ ¼ trái Dưa leo (trái có chiều dài khoảng 20 cm)

4/ ¼ trái Khổ Qua, bỏ hột (trái có chiều dài khoảng 20 cm).

5. 1 trái Táo tây (bỏ hột)

Mỗi sáng, đem tất cả 5 loại rau quả trên làm juice bằng 1 juicer, (bỏ bã), uống nước juice trong vòng 15 phút sau khi làm xong. Mỗi sáng uống 1 lần, trước khi điểm tâm.

Lưu ý: Công thức này áp dụng theo chu kỳ sau: Dùng liên tiếp 15 ngày, sau đó ngưng 1 tuần, rồi tiếp tục dùng 2 tuần liên tiếp.

Đó là một công thức có tác dụng hạ Cholesterol, giảm mỡ trong máu, hạ huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu và chống lão hóa rất mạnh. Những ai đang điều trị cao huyết áp bằng thuốc Tây có thể dùng thêm công thức này để hỗ trợ và gia tăng hiệu quả.

II/ HẠ HUYẾT ÁP, HỖ TRỢ TIM MẠCH:

Dùng 2 bẹ Cần Tây và một trái Táo tây (Apple) bỏ hột, làm juice. Mỗi ngày uống 1 lần. Công thức này giúp hạ Huyết áp một cách nhanh chóng, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ Tim Mạch và chống lão hóa rất hữu hiệu. Một kết quả xét nghiệm cho thấy, nước juice Cần Tây có thể hạ huyết áp cho gần 90% những người tham gia cuộc xét nghiệm.

D/ CẦN TÂY TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:

Theo nhận xét của Tây y, Cần Tây là một loại rau rất ích lợi cho sức khỏe, đặc biệt có khả năng giảm cân rất hiệu quả và an toàn. Cần Tây hàm chứa nhiều loại vitamins, như là Vit. A, B1, B2, B3, B6, B9, C, E, K và nhiều khoáng chất và kim loại như Boron, Calcium, Iron, Magnesium, Phosphorus, Potassium, Sodium và Zinc, ngoài ra còn có Tinh bột, Đường và Chất xơ. Trong các thành phần dưỡng chất vừa kể, có một khoáng chất rất quan trọng có khả năng giảm đau trong các trường hợp Viêm Khớp và Thấp Khớp, đó là Boron. Ngoài ra, Cần Tây còn hàm chứa rất nhiều loại acid amin, nhiều dưỡng chất có năng lực chống lại tình trạng viêm sưng trong hệ Tiêu hóa, trong cơ Tim, cũng như trong mạch máu, và chống lão hóa. Đó là lý do mà Cần Tây được xếp vào hàng những loại rau quả tốt nhất trên thế giới.

I/ Những ích lợi của Cần Tây: Theo các nhà dinh dưỡng học Tây phương, Cần tây có những ích lợi như sau:

1/ Hạ cholesterol xấu, tức là LDL và hạ Triglyceride, tức là mỡ trong máu. Một thí nghiệm dùng tinh chất Cần Tây trên loài chuột được thực hiện bởi phân khoa Dược học thuộc Đại học Singapore cũng chứng minh được ưu điểm này của Cần Tây.

2/ Chống sưng trong tất cả những trường hợp: Viêm khớp xương và Thấp khớp, viêm Gan và Thận, bệnh Gout, viêm Da, viêm ruột già.

3/ Hỗ trợ điều trị bệnh cao Huyết áp.

4/ Chống viêm loét Dạ dầy và đường ruột: làm giảm lượng acid trong dạ dầy, làm lành những vết loét.

5/ Giải độc và bảo vệ Gan.

6/ Giúp giảm cân rất hiệu quả và an toàn.

7/ Hỗ trợ Tiêu hóa, chống đầy hơi.

8/ Chống các trường hợp nhiễm trùng kể cả nhiễm trùng đường tiểu.

9/ Bảo vệ đôi mắt: ví có vitamin A, có khả năng chống thoái hóa Mắt do tuổi tác, cụ thể là bệnh cườm.

10/ Giúp giảm căng thẳng: một khoáng chất tên là Magnesium và các tinh dầu cần thiết trong Cần Tây có tác dụng giảm căng thẳng và giúp ngủ ngon.

11/ Gia tăng sự hưng phấn trong sinh hoạt vợ chồng.

12/ Giảm nguy cơ mắc bệnh Ung thư.

13/ Làm đẹp da mặt: Để bảo vệ và làm đẹp da mặt, nếu chúng ta chỉ dùng mỹ phẩm không thôi, thì kết quả sẽ không hoàn toàn, và cũng chỉ nhất thời. Càng lớn tuổi, da mặt lại càng dễ bị tổn thương. Trước hết là vì dinh dưỡng không đúng cách, ăn nhiều dầu mỡ, nhiều chất cay, và nhất là ít uống nước, lý do thứ 2 là yếu tố căng thẳng, bất ổn tâm lý kéo dài và sau cùng là yếu tố môi trường như ánh nắng, bụi bậm, khói độc hại… Vì thế, một trong những cách giảm thiểu những tổn thương và giữ da mặt đẹp lâu dài, chính là ăn uống lành mạnh.

Một công thức mặt nạ bảo vệ và làm đẹp da mặt:

a/ Mỗi ngày, dùng khoảng từ 100 đến 200 grams Cần Tây làm nước juice, hòa với 1 hoặc 2 muỗng cà phê Mật ong, khuấy đều và uống ngay trong vòng 15 phút.

b/ Đồng thời, dùng bã trộn với 1 muỗng cà phê Mật ong, và 1 muỗng nước cốt chanh tươi. Sau đó đắp lên vùng da mặt bị mụn hay bị tổn thương từ 20 đến 30 phút. Sau đó rửa mặt bằng nước ấm. Tùy theo trường hợp nhẹ hay nặng, chúng ta có thể làm mặt nạ 3 lần mỗi tuần, hay mỗi ngày 1 lần là tốt nhất.

Với những ai chưa bị Nám hay Mụn, cũng có thể dùng loại mặt nạ này mỗi tuần 1 lần để dưỡng da.

II/ Dị ứng của Cần Tây: Bên cạnh những ưu điểm độc đáo trên, Cần Tây cũng có thể gây ra dị ứng không tốt cho một số ít người, dù rằng những trường hợp dị ứng này cũng khá hiếm hoi.

Theo nhiều nghiên cứu, Cần Tây nằm trong danh sách các thực phẩm gây dị ứng mà đậu phọng đứng hàng đầu. Với những ai quá nhậy cảm, dị ứng Cần Tây có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Điều không may là những chất gây dị ứng trong Cần Tây lại không bị tiêu hủy ngay cả khi tiếp xúc với nhiệt độ cao do nấu nướng. Một khi đã bị dị ứng, việc tập thể dục hay hoạt động mạnh có thể làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Phần gốc của cây Cần Tây có nhiều yếu tố gây dị ứng hơn là ở phần thân. Và hạt Cần Tây chứa yếu tố gây dị ứng nhiều nhất.

Một vài tài liệu nghiên cứu khác còn xác định là hạt Cần Tây có thể gia tăng sự mẫn cảm với ánh sáng, do đó, việc sử dụng tinh dầu chiết xuất từ hạt Cần Tây dưới ánh nắng mặt trời là điều cần phải tránh.

Quí vị phụ nữ đang thai nghén cũng không nên dùng quá nhiều loại tinh dầu này. Vì trong tinh dầu hạt Cần Tây có một hóa chất thiên nhiên tên là Bergapten, có thể gây ra những phản ứng rất bất lợi cho cơ thể. Mặc dù loại tinh dầu này có tác dụng giảm đau, và đã được sử dụng để trị đau cách đây gần 1000 năm. Cũng cần nhắc lại là khi được thí nghiệm trên loài chuột, tinh đầu hạt Cần Tây có công năng hạ huyết áp, vì hàm chứa những dưỡng chất liên quan.

Vi thế, khi dùng tinh dầu hạt Cần Tây, không nên dùng quá liều qui định, nhất là dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, vài cuộc khảo sát cho thấy là tại Hoa Kỳ, số trường hợp dị ứng với Cần Tây lại rất hiếm hoi, không đáng kể nếu so với các trường hợp dị ứng với đậu phọng.

Trái ngược với các dân tộc ở miền Trung Âu châu, Cần Tây lại gây dị ứng nhiều nhất. Chúng ta chưa biết tại sao nhưng có thể do yếu tố di truyền, do thổ nhưỡng và khí hậu của mỗi miền... Nhưng nói gì thì nói, những ích lợi của Cần Tây trên sức khỏe con người đã khiến Cần Tây trở thành một dược thảo được nhiều người đón nhận. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, các nông trại đã gieo trồng và thu hoạch hơn 1 tỉ pounds Cần Tây và mỗi người dân Hoa Kỳ tiêu thụ trung bình 6 pounds mỗi năm.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.

Tham khảo:

1/ "Apium graveolens". Germplasm Resources Information Network (GRIN). Agricultural Research Service (ARS), United States Department of Agriculture (USDA). Retrieved March 31,2016.

2/ Vilmorin, Roger L. (1950). "Pascal celery and its origin". Journal of the New York Botanical Garden. 51 (602): 39–41.

3/ Peterson, R. L.; Peterson, Carol A.; Melville, L.H. (2008). Teaching plant anatomy through creative laboratory exercises. National Research Council Press. ISBN 9780660197982. OCLC 512819711.

4/ Lewis, Charlton T.; Short, Charles (eds.). "selinon". A Latin Dictionary. Perseus Digital Library, Tufts University.