QUẾ - CINNAMON





A/ DẪN NHẬP:

Quế, được biết đến từ vài ngàn năm trước Công nguyên, hay trước Thiên Chúa Giáng sinh, địa danh nổi tiếng về Quế thời bấy giờ là Ceylon thuộc Sri Lanca. Cho đến bây giờ, Quế hay Cinnamon trồng tại Ceylon vẫn được gọi là True Cinnamon, do phẩm chất và hương vị hơn hẳn Quế trồng tại các nơi khác như vùng Đông Nam Á, bao gồm các quốc gia Việt Nam, Trung Hoa… Ngay từ thời xa xưa, người ta đã dùng Quế vào rất nhiều việc, từ việc trị bệnh cho đến việc sử dụng như một hương liệu. Người Trung Cổ dùng Quế để trị bệnh Ho, Khan tiếng, và Viêm Họng, dùng bột Quế để ướp thịt, nhờ đó mà giữ cho miếng thịt được lâu hơn. Người Ai cập cổ đại đã xem Quế như một hương liệu quan trọng để ướp xác.

Cho đến đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, một tài liệu cho thấy là chỉ 350 gr Quế thôi, cũng đã tương đương với từ 5 cho đến 15 ký Bạc, tùy theo thời điểm. Đại đế Nero La Mã, trong một cơn tức giận đã sát hại người vợ của mình vào năm 65 Công nguyên. Sau đó, để bày tỏ sự hối hận, ông đã ra lệnh cho đốt hương liệu Quế trong tang lễ của Hoàng hậu Poppaea Sabina, với chi phí tương đương với tổng chi tiêu của thành phố trong một năm trời !

Câu chuyện trên cho thấy là ngày xưa, Quế đã được xem là một hương liệu rất quí giá, chỉ dùng trong các dịp đặc biệt, và không phải ai cũng có thể có được. Người viết còn nhớ một câu ca dao Việt nam nhắc đến Quế với hàm ý ca tụng như sau: “Ở sao như Quế trên rừng, Thơm không ai biết, ngát đừng ai hay”. Câu này đồng thời nhắc nhở chúng ta hãy cố gắng sống hết lòng, làm nhiều điều tốt đẹp cho tha nhân mà không mong cầu được biết đến hay một sự đền đáp nào. Và một câu khác: “Ở sao như Quế trên non, Trăm năm khô rụi, vỏ còn dính cây”, hàm ý đề cao tính bền vững của Quế, và lòng chung thủy ở đời.

B/ PHÂN LOẠI:

Bây giờ, chúng ta hãy đi vào chi tiết, nói đến Quế, lúc thì người ta dùng chữ Nhục quế, lúc thì Quế chi, rồi Quế quan, vậy thì sự khác biệt là ở đâu ? Một cách tổng quát, vỏ cây Quế gọi là Nhục Quế - Khi vỏ Quế được cạo sạch phần bên ngoài – biểu bì – thì phần còn lại được gọi là Nhục Quế Tâm – Loại Vỏ Quế cuộn tròn thành hình ống, gọi là Quan Quế. Loại Quan Quế này ở Việt Nam (Thanh Hóa) và Trung Hoa (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam) đều có, nhưng không tốt bằng loại Quan Quế ở đảo Ceylon, thuộc Sri Lanca – Còn Quế chi là cành Quế, hương vị không cay nồng bằng Nhục Quế, đồng thời dược tính cũng khác đi.

Quan Quế của Trung Hoa và Việt Nam còn gọi là Cassia Cinnamon. Quan Quế của Sri Lanca còn gọi là True Cinnamon. Cassia Cinnamon có hương vị cay nồng hơn, nhưng lại có đến 5% Coumarin, là một hợp chất có thể gây tổn thương cho Gan và Thận, mặc dù sự tổn thương này cũng chỉ tạm thời mà thôi. Trong khi đó, Quan Quế của Sri Lanca, chỉ có 0.45 % Coumarin mà thôi, đó là một hàm lượng không đáng kể. Vì thế, các bác sĩ Đông y, nếu có dùng Quế Trung Hoa hay Việt nam, cũng đều dùng một liều lượng rất nhẹ.

C/ QUẾ TRONG KHOA ẨM THỰC VIỆT NAM:

Có rất nhiều món ăn và vật dụng dùng hàng ngày có mang hương thơm của Quế. Chính vì mùi thơm dễ chịu và quyến rũ này mà người ta đã ngày càng nghĩ ra nhiều thứ mới lạ hơn, sau đây là một ví dụ:

Mực nướng hương Quế: Thêm hương Quế cho món mực nướng hấp dẫn và ngon hơn. Chỉ với 30 phút là chúng ta đã tạo được sự mới lạ và ngon miệng cho bữa cơm gia đình.

Nguyên liệu:

• 4 con mực lá, làm sạch

• 1 củ hành tím, bằm nhuyễn

• 2 tép tỏi, bằm nhuyễn

• 1/2 muỗng cà phê bột Quế

• 1,5 muỗng cà phê Hạt nêm Knorr từ thịt thăn, xương ống và tủy

• 1 muỗng canh rượu vang trắng

• 1/4 muỗng cà phê tiêu xay

• 1 muỗng canh dầu ăn

Cách Thực hiện:

1. Dùng dao khứa vài đường lên mình mực lá.

2. Ướp mực 30 phút với tỏi, hành tím, hạt nêm Knorr từ thịt thăn, xương ống và tủy, mật ong, tiêu xay, rượu vang trắng, dầu ăn và bột Quế.

3. Nướng chín mực trên lửa than.

4. Để mực nướng vào dĩa, trang trí với xà lách xoong, cà chua.

5. Dùng nóng với tương ớt.

D/ QUẾ TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:

Theo Đông y, Quế có vị cay và ngọt, nói theo thuật ngữ chuyên môn, dược tính của Quế nhập vào các đường kinh Thận, Tỳ, Tâm và Can, và tác dụng tốt trên những nội tạng này. Trong khi Nhục Quế có tác dụng bồi bổ dương khí, trục hàn – thì Quế chi lại có tác dụng làm lưu thông khí huyết và kinh mạch. Một cách tổng quát, Nhục quế có tác dụng tán hàn, làm ấm cơ thể, chống đau nhức, chống tê, do phong thấp, phong hàn. Chống đau bụng do lạnh. Chống thổ tả. Giúp phụ nữ giảm đau khi hành kinh, bồi bổ khí huyết.

Đông y có một số bài thuốc dùng Quế chi, chúng ta có thể kể tên như: Ma Hoàng Thang, Quế chi Thang, Cát căn Thang, có tác dụng giải cảm. Và những bài thuốc sau đây dùng Nhục quế: Kim Quế Thận khí hoàn, Bát vị Thang, Thập toàn Đại Bổ Thang có tác dụng bồi bổ, Độc hoạt Ký sinh thang có tác dụng trị đau nhức... Tất nhiên là trong việc sử dụng những bài thuốc này, chúng ta đều cần đến các bác sĩ Đông y đích thân chẩn đoán tình trạng bệnh lý và gia giảm liều lượng sao cho thích hợp với từng trường hợp. Một cách tổng quát, liều lượng an toàn của Nhục Quế trong các thang này chỉ từ 2 gram đến 4 gram mà thôi.

E/ QUẾ TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:

Theo Tây y, Quế có nhiều tinh dầu cần thiết, như Cinnamal-dehyde (chiếm 60%), một số thành phần hóa chất khác gồm có Ethyl Cinnamate, Eugenol… tất cả những tinh dầu này khiến cho Quế có tính nóng, có hương thơm và vị cay nồng.

Quế và một vài ứng dụng trong y học hiện đại:

Nhiều nghiên cứu khoa học hiện nay cho thấy, xử dụng bột Quế, cùng với mật ong, đem lại nhiều kết quả trị liệu cho người xử dụng. Đặc biệt là Mật Ong, nếu dùng một liều lượng cho phép, sẽ không hề có một hiệu ứng phụ (side effect) nào, kể cả với người bệnh Tiểu đường. Tạp chí Weekly Wolrd News của Canada, số ra ngày 17 tháng 1 năm 1995, đã đăng tải một số bệnh có thể chữa lành bằng Mật Ong và Quế, dựa trên kết quả nghiên cứu bởi các nhà khoa học Tây phương như sau:

1/ Bệnh Tim: Để ngăn ngừa Heart attack, chúng ta nên dùng Mật Ong và bột Quế phết lên bánh mì trong mỗi bữa ăn sáng. Cách ăn này làm giảm cholesterol trong động mạch, và ngăn ngừa Heart attack. Nếu những ai đã từng bị Heart attack, thì cách ăn này cũng sẽ ngăn ngừa nguy cơ tái diễn. Tại Hoa Kỳ, và Canada, nhiều Nursing home đã áp dụng cách ăn này cho các bệnh nhân và ngăn ngừa heart attack rất thành công, làm giảm nguy cơ tắc nghẽn động mạch, tĩnh mạch

2/ Viêm đau khớp: Một nghiên cứu gần đây của Viện Đại học Copenhagen cho thấy là các bác sĩ đã cho các bệnh nhân bị bệnh Viêm khớp uống một hỗn hợp gồm 1 muỗng cà phê Mật Ong, và nửa muỗng cà phê bột Quế trước mỗi bữa điểm tâm. Kết quả là sau một tuần lễ, trong 200 bệnh nhân, đã có 73 người hoàn toàn hết đau. Và chỉ trong vòng một tháng, đa số những bệnh nhân đã từng không thể đi được do bị Viêm Khớp, nay đã đi lại được.

3/ Nhiễm trùng Bàng quang (Bladder Infections): Dùng 2 muỗng cà phê bột Quế, và một muỗng cà phê Mật Ong hòa trong một ly nước ấm, uống mỗi ngày. Công thức này có khả năng diệt vi trùng trong bàng quang.

4/ Cholesterol: Dùng 2 muỗng canh Mật Ong, và 2 muỗng cà phê bột Quế hòa cùng 16 ounces nước trà, có thể giảm 10% cholesterol trong máu chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ. Tạp chí Weekly World News cũng nói thêm là các bệnh nhân dùng Mật Ong – Quế trị chứng đau khớp cũng sẽ giảm được cholesterol. Ngoài ra Quế còn có thể chữa được chứng hôi miệng và Tiểu đường loại II. Công thức như sau:

5/ Chống Hôi Miệng: Xúc miệng bằng nước ấm, có pha 1 muỗng cà phê Mật Ong, và nửa muỗng bột Quế, miệng sẽ thơm cả ngày.

6/ Giảm lượng Đường trong máu: Các chuyên gia dinh dưỡng tại Hoa Kỳ và Pakistan đã thực hiện nhiều nghiên cứu và thử nghiêm, đã đi đến kết luận là dùng Bột Quế từ 1 đến 3 gram mỗi ngày sẽ làm gia tăng khả năng hấp thụ đường Glucose của tế bào. Đồng thời, giảm lượng cholesterol xấu (LDL), và Triglyceride ở người mắc bệnh Tiểu Đường loại II.

F/ KẾT LUẬN:

Quế là một dược thảo rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Gói ghém những kinh nghiệm từ dân gian, từ nền Đông y cổ truyền trải qua nhiều ngàn năm trong lịch sử, cho đến những phát hiện của nền y học hiện đại, người viết hy vọng những thông tin tổng quát về Quế trên đây có thể đóng góp phần nào cho tất cả chúng ta trong việc sử dụng Quế để bồi bổ sức khỏe và duy trì một cuộc sống an toàn mạnh khỏe. Mong lắm thay !

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph. D.

Tham khảo:

1/ "Cinnamon". Encyclopædia Britannica. 6 (11th ed.). 1911. p. 376.

2/ Chinese Herbal Medicine: Materia Medica, Third Edition by Dan Bensky, Steven Clavey, Erich Stonger, and Andrew Gamble 2004

3/ Bell, Maguelonne Toussaint-Samat; translated by Anthea (2009). A history of food (New expanded ed.). Chichester, West Sussex: Wiley-Blackwell. ISBN 978-1405181198. Cassia, also known as cinnamon or Chinese cinnamon is a tree that has bark similar to that of cinnamon but with a rather pungent odour

4/ "Cinnamon". Encyclopaedia Britannica. 2008. ISBN 1-59339-292-3. (species Cinnamomum zeylanicum), bushy evergreen tree of the laurel family (Lauraceae) native to Malabar Coast of India, Sri Lanka (Ceylon) Bangladesh and Myanmar (Burma).