NHA ĐAM - ALOE VERA

A/ DẪN NHẬP:
Nha đam, còn gọi là Lô Hội, hay Long Tu, tên khoa học là Aloe Vera. Đó là một dược thảo có nguồn gốc từ Sudan, một quốc gia ở về phía Đông Bắc Phi Châu. Vào khoảng năm 1500 trước Công nguyên, người Ai cập đã dùng Nha đam trong việc trị Phỏng, Nhiễm trùng và Sán Lải. Những người thợ săn Phi châu đã thoa Nha đam thoa lên da để chống ra mồ hôi khi săn bắn, đồng thời cũng để tránh không cho thú rừng đánh được hơi người. Nhưng không chỉ phổ biến trong dân gian, cách đây hơn 1,600 nam, trên hành trình chinh phục, Alexandra Đại đế đã từng bắt buộc các binh sĩ mỗi người phải mang theo một số lá Nha đam trong những cuộc viễn chinh, nhằm chống khát nước, kiệt sức và dùng để trị các vết thương nhẹ khi cần thiết.
Từ ngàn xưa, người Việt chúng ta cũng đã biết dùng Nha đam để nấu chè, vừa giải nhiệt, vừa trị bệnh bao tử, giúp hệ tiêu hóa họat động điều hòa, hơn thế nữa, còn dùng để chữa phỏng da rất hiệu quả. Về phân loại, tùy theo phong thổ và địa lý, các nhà nghiên cứu nhận thấy có đến trên 500 loại Nha đam trên toàn thế giới.
B/ NHA ĐAM TRONG NHÃN QUAN ĐÔNG Y:
I/ Đặc tính và tác dụng trị liệu:
Nha đam có vị đắng, tính Hàn, có tác dụng giải nhiệt, mát Gan, thông Mật, kiện Tỳ Vị, nhuận trường, sát trùng, đề phòng Ung thư. Có công năng điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, làm sạch đường ruột, nhuận trường, trị chứng cam tích và táo bón của trẻ em, trị đau mắt hột, chống khô mắt. Cụ Hải Thượng Lãn Ông, một danh y trong lịch sử, cũng là Tổ sư ngành Đông y Việt Nam đã từng ca ngợi đặc tính nhuận trường của Nha đam.
II/ Vài bài thuốc kinh nghiệm dân gian:
1/ Làm đẹp da:
Những người da khô và da nhờn nếu thường xuyên sử dụng Nha đam, thì da sẽ trở về trạng thái bình thường.
Cách dùng như sau: Lấy lá Nha đam tươi gọt bỏ gai, rửa sạch, giã vắt lấy nước cốt. Mỗi lần sử dụng, dùng một ít nước cốt này hòa thêm chút nước cho loãng ra rồi thoa đều lên da.
Những ai có làn da nhậy cảm, hãy làm một thử nghiệm trước khi dùng cho da mặt, để xem có bị dị ứng không. Cách thử rất đơn giản như sau: Dùng một ít nước Nha đam bôi ở mặt trong cánh tay. Sau đó quan sát xem da có bị dị ứng không, nếu không có triệu chứng đỏ ngứa thì cứ yên tâm sử dụng.
2/ Làm mượt tóc, chống rụng tóc:
Lấy lá Nha đam tươi gọt bỏ gai, rửa sạch, giã vắt lấy nước. Khi sử dụng, trước hết phải lấy nước ấm gội đầu. Dùng 2 muỗng cà phê nước Nha đam hòa thêm nước lạnh cho loãng rồi tẩm đều lên tóc, phần chân tóc cũng phải được tẩm ướt. Dùng khăn bịt kín đầu để cho tóc và da đầu hấp thu tối đa các dưỡng chất của Nha đam. Khoảng 5 - 10 phút sau mở khăn ra, gội đầu lại bằng nước ấm. Để gia tăng công hiệu, chúng ta cần gội đầu sạch trước khi xử dụng Nha đam. Riêng với những người hay bị rụng tóc, khi dùng nước Nha đam gội tóc nên dùng tay xoa bóp nhẹ vùng da đầu, đồng thời kéo dài thời gian dùng khăn trùm tóc để cho tóc và da đầu hấp thu tối đa dưỡng chất.
3/ Sơ Gan cổ trướng, Viêm Gan C, Ung thư dạ dày, Ung thư gan:
3 lá Nha đam (khoảng 1 kg), rửa sạch, gọt bỏ phần gai hai bên. 500 gr mật ong nguyên chất, 3 muỗng canh rượu mạnh 40 độ.Tất cả dùng máy xay sinh tố xay nhuyễn, sau đó cất vào tủ lạnh. Mỗi ngày uống 3 lần - 15 phút trước bữa ăn - mỗi lần uống một muỗng canh. Uống liên tục nhiều tháng bệnh sẽ thuyên giảm khả quan hoặc khỏi hoàn toàn.
Lưu ý: Công thức trên không dùng cho người bệnh Tiểu đường (vì có mật ong)
4/ Bệnh tiểu đường và cao áp huyết:
Dùng 3 lá Nha đam lớn, nặng khoảng 1ký, gọt bỏ phần gai hai bên, thái lát rồi nấu sôi. Để nguội và sau đó xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một muỗng canh.
5/ Viêm loét dạ dầy:
3 lá Nha đam rửa sạch, xay nhuyễn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh trong lúc bụng đói. Tác dụng làm lành vết loét trong dạ dầy
C/ NHA ĐAM TRONG NHÃN QUAN TÂY Y:
I/ Đặc tính và tác dụng trị liệu:
Kể từ năm 1930, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy Nha đam có thể trị viêm loét Dạ dầy - Stomach Ulcer, trị Tiểu đường (bằng cách giúp tăng cường sự tiết chất insulin từ Tụy tạng, phòng ngừa sạn Thận, trị các bệnh viêm Gan và sơ Gan cổ chướng (cirrhosis), giảm chất béo lipid trong máu. Các cuộc khảo sát trong phòng thí nghiệm nhận thấy: Nha đam chứa đến 95% nước, 5% còn lại gồm các hoạt chất như tinh dầu cần thiết, các amino acids, khoáng chất, các vitamins, các enzymes (chất biến dưỡng), polysaccharides và glycoproteins. Nhiều cuộc xét nghiệm khác đã phát hiện các tác dụng tốt cho sức khỏe của Nha đam như sau: dưỡng chất Mannan trong Nha đam giúp cho hệ miễn nhiễm hoạt động mạnh mẽ hơn, dưỡng chất Anthraquinone có thể thu hút những phần tử Calcium trong nước tiểu rồi đưa ra khỏi cơ thể, do đó tránh được sự kết sỏi hay sạn trong đường tiểu, trong Thận. Dưỡng chất Polysaccharide tốt cho Da, chất Glycoprotein chống đau và chống sưng.
Như chúng ta vừa nói, Nha đam có thể trị Phỏng nhẹ (độ 1 & 2), ngăn ngừa rộp da (blister). Có tác dụng làm lành vết thương nhỏ, ngăn ngừa nhiễm trùng, chống ngứa do dị ứng, tinh chất Nha đam còn trị được Eczema (bệnh Chàm), phối hợp với các vị thuốc khác trị Psorasis (bạch biến – hồng biến). Chất nhờn Nha đam còn có tác dụng làm săn da, chống nhăn, tăng tính đàn hồi, làm da mềm mại, trị nám và trị mụn. Ngoài ra, Nha đam còn giúp cho Da chống lại tia cực tím từ ánh nắng mặt trời, tác dụng tốt cho tóc khô, da đầu bị gàu. Chúng ta không ngạc nhiên khi Nha đam có mặt trong rất nhiều mỹ phẩm cho Da, và cả trong xà phòng gội đầu nữa, kể cả trong một loại dầu dùng để cạo râu cho đàn ông.
II/ Vài điều cần lưu ý khi dùng Nha đam:
1/ Dị ứng Da – Phụ nữ đang thời kỳ thai nghén: Trong vài trường hợp rất hiếm hoi, nếu có dị ứng trên da khi dùng các lotion, hay kem dưỡng da có Nha đam, chúng ta nên ngưng xử dụng. Phụ nữ có thai không được dùng Nha đam để trị Táo bón, vì có thể gây co thắt đường tiểu, dẫn đến xẩy thai. Phụ nữ đang cho con bú sữa mẹ, cũng không nên dùng Nha đam, vì có thể có phản ứng không tốt cho các em bé sơ sinh.
2/ Đang dùng các biệt dược Tây y: Nếu muốn dùng Nha đam chung với các biệt dược Tây y, trước hết, chúng ta cần lưu ý và tham khảo với các bác sĩ trong các trường hợp sau: Không dùng Nha đam, nếu đang trị Tiểu đường loại II và Cao mỡ trong máu bằng thuốc Glyburide. Vì thuốc này dùng chung với Nha đam, có thể khiến cho lượng đường tuột xuống rất thấp.
Khi đang dùng các loại thuốc lợi tiểu, và thuốc Digoxin (trị loạn nhịp Tim, và nghẽn Động mạch vành), đây là những loại thuốc làm hạ lượng potassium trong cơ thể, nên dùng chung với Nha đam sẽ khiến cho lượng potassium xuống quá thấp. Người bình thường có thể dùng Nha đam để trị Táo bón, nhưng cũng nên tham khảo với bác sĩ Đông hoặc Tây y trước khi xử dụng. Trong Nha đam - Aloe Vera, có chất Aloin, là một chất chống táo bón rất hiệu quả, nhưng lại có thể gây ra một số phản ứng phụ. Vì thế, vào năm 2002, cơ quan FDA Hoa Kỳ đã yêu cầu các dược phẩm có Nha đam - Aloe vera phải được loại bớt phần lớn chất Aloin, trước khi đưa ra cho công chúng xử dụng. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã cẩn thận lấy hết chất này ra khỏi các dược phẩm
Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.
Tham khảo:
1/ Aloe vera (L.) Burm. f. Tropicos.org
2/ Ernst E (2000). "Adverse effects of herbal drugs in dermatology". Br. J. Dermatol. 143 (5): 923–9. doi:10.1046/j.1365-2133.2000.03822.x. PMID 11069498. Oral and topical aloe vera is promoted for a variety of conditions but the evidence to support its use is not compelling.
3/ Marshall JM (1990). "Aloe vera gel: what is the evidence?". Pharm J. 244: 360–362. 4/ "Aloe vera, African flowering plants database". Conservatoire et Jardin botaniques de la Ville de Genève. Retrieved 19 November2017.
5/ "Taxon: Aloe vera (L.) Burm. f." Germplasm Resources Information Network, United States Department of Agriculture. Retrieved 16 July 2008.