CÂY SẢ - LEMON GRASS




A/ DẪN NHẬP:
Cây Sả, trong cuộc sống của người Việt Nam chúng ta, vừa là một gia vị rất quan trọng trong ẩm thực, vừa là một dược thảo, có nhiều công năng trị bệnh rất hiệu quả, lại vừa là một hương liệu quan trọng trong khoa Hương liệu pháp, trong các mỹ phẩm như nước hoa, dầu massage, dầu gội dầu…Một đặc điểm quan trọng khác của Sả là khả năng làm sạch môi trường. Nơi nào có trồng Sả, thì bầu không khí nơi đó được trong lành, vì hương vị từ cây có thể xua đi mùi hôi, làm cho môi trường trở nên thanh khiết và an toàn hơn. Nhiều địa phương, nhất là ở miền thôn quê Việt Nam, người dân thường trồng nhiều bụi Sả quanh nhà. Thứ nhất là để sẵn sàng dùng làm gia vị trong những bữa ăn, thứ hai là làm cho bầu không khí chung quanh được trong lành, xua đuổi mùi hôi, thứ ba là ngăn ngừa được ruồi muỗi, các loài bọ chét. Kinh nghiệm dân gian còn cho thấy là các loài rắn rết rất sợ những mùi thơm đặc biệt từ tinh dầu của cây Sả, nên chúng thường không dám đến gần hoặc ẩn nấp trong đó.Không những thế, nhiều năm gần đây, một nghiên cứu của các nhà khoa học Do Thái đã đi đến kết luận là Sả có tác dụng chống Ung thư bằng cách khiến cho các tế bào Ung thư phải tự hủy diệt.

B/ NGUỒN GỐC CÂY SẢ:
Sả có nguồn gốc từ các quốc gia miền nhiệt đới và ôn đới, có tên khoa học là Cymbopogon. Chúng ta gọi là cây, trong khi ở các nơi khác người ta xem Sả là một loại cỏ sống lâu năm. Vì Sả có hương vị giống quả chanh, nên tiếng Anh gọi Sả là Lemon Grass. Ở các nước Á châu, Sả được sử dụng như một loại dược thảo, cũng như dùng làm gia vị. Nhiều nhất là người Ấn độ, Thái, Lào, Căm bốt, Việt Nam, và người dân vùng Caribe.

C/ PHÂN LOẠI:
Có tất cả 55 loại Sả trên thế giới, chúng ta có thể kể ra vài loại chính như sau: loại thứ nhất có tên là Cymbopogon Flexuosus, còn gọi là Sả Đông Ấn, có nguồn gốc từ Ấn độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan. Rồi Sả Tây Ấn, tên khoa học là Cymbopogon Citratus, có nguồn gốc từ Malaysia, loại này thích hợp cho các món ăn. Loại thứ ba và thứ tư là Cymbopogon nardus và Cymbopogon winterianus, cũng tương tự như các loài trên, nhưng có thể mọc cao tới 2 mét, và có gốc cây màu đỏ. Hai loại này dùng để lấy Tinh dầu, được dùng trong xà phòng, làm thuốc trừ muỗi, đèn nến, hoặc làm dầu massage nữa. Hai loại này cũng được dùng trong các món ăn. Loại thứ Năm, có tên là Cymbopogon martinii, sống lâu năm, mọc thành bụi và cao tới 150 cm. Có lá và thân củ nhỏ hơn nếu so với các loài trên, được chưng cất thành tinh dầu palmarosa và được sử dụng trong Hương liệu pháp – Aromatherapy, là một phương pháp điều trị bằng hương liệu, có tác dụng giảm bớt căng thẳng.

D/ SẢ VÀ CÁC ỨNG DỤNG:
I/ Trong khoa ẩm thực Việt Nam:
Sả có mặt trong rất nhiều món ăn, đặc biệt là với những món ăn cần có gia vị, như dê, bò, ốc, ếch…các món như gà xào sả ớt, hay nai xào sả ớt… Trong các món chay quen thuộc như đậu hũ chiên sả, cà ri chay… Không những thế, tại các quốc gia Phi châu, người ta đã dùng Sả để nấu chè nữa ! Tóm lại, Sả là một gia vị thân thiết trong nhà bếp của người Việt nói riêng và nhân loại nói chung.
II/ Trong Hương liệu pháp:
Sả đóng một vai trò quan trọng trong Hương liệu pháp. Hương thơm từ Sả có khả năng chống căng thẳng, thư giãn thần kinh và cơ bắp, giảm đau và giúp ngủ ngon. Sả còn được dùng trong các mỹ phẩm như nước hoa, dầu gội đầu, xà phòng, và cả lotion nữa. Tinh dầu Sả còn được dùng làm thuốc trừ muỗi, tẩy mùi hôi nữa. Tất cả những ứng dụng trên cho thấy phạm vi xử dụng Sả khá rộng rãi trong dân gian.
III/ Ứng dụng trong Đông y:
Theo Đông y, Sả là một dược thảo có vị the và hơi cay, có tính ấm, có hương thơm, tác dụng trực tiếp vào Phế và Tì Vị. Có khả năng giải cảm, hạ sốt, chống ho, điều khí và hạ đàm, chống nôn mửa, kích thích tiêu hóa, giải độc cho người bị ngộ độc rượu. Ngoài ra, tinh dầu Sả còn có tác dụng chống đau và chống sưng.
1/ Về tác dụng giải cảm: Sả thường được kết hợp với các dược thảo khác như kinh giới, tía tô, bạc hà, lá chanh, lá bưởi, mỗi loại 60 gram, nấu chung trong một nồi nước, đến khi sôi thì dùng để xông, rất tốt trong các trường hợp cảm kèm theo chứng sốt và ho, nhất là ho có đàm. Nhân đây, chúng ta cần lưu ý là chỉ nên xông khi mới bắt đầu bị Cảm một hai ngày, và chỉ xông một lần trong vòng 15 phút. Xông là một trong các cách chữa bệnh của Đông y, được gọi là phép Hãn (làm cho ra mồ hôi), có tác dụng hạ sốt và giải cảm. Nhưng nếu chúng ta xông nhiều lần hoặc xông lâu quá sẽ làm cho cơ thể mất nước, dẫn đến mất quân bình điện giải, do lượng muối trong cơ thể bị hao hụt, khiến cho huyết áp bị hạ thấp và đưa đến những rối loạn khác. Vì thế, chúng ta chỉ xông 1 lần 15 phút mà thôi, đồng thời sau đó phải uống một ly nước ấm để bù đắp lại cho cơ thể lượng nước bị tiêu hao.
2/ Chống rụng tóc, làm mướt tóc: Mỗi ngày chúng dùng vài giọt tinh dầu sả thoa đều lên tóc sẽ giúp cho mái tóc không những thơm mà còn mượt mà và ít rụng nữa.
3/ Chống đau: Sả là một dược thảo có nhiều tinh dầu, với thành phần chính tên là Citral.Thật ra tinh dầu Sả có rất nhiều tác dụng, ta có thể kể ra như sau: Kích thích tiêu hóa, chống đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn (nhất là ở những phụ nữ trong thời kỳ thai nghén), hoặc bí trung tiện. Nhưng khi dùng ngoài da, tinh dầu Sả có thể dùng một mình, hoặc phối hợp với các loại tinh dầu khác để xoa bóp, làm giảm đau bắp thịt và gân cốt.
IV/ Một phát hiện của Tây y về Sả:
Tại Do Thái, các nhà khoa học thuộc Ben Gurion University, qua một công trình nghiên cứu đã phát hiện rằng các thành phần tinh dầu trong cây Sả có tác dụng thức đẩy các tế bào Ung thư đi vào quá trình tự hủy. Cách đây vài năm, bác sĩ Rivka Okir và giáo sư Yakov Weinstein đã thực hiện một thí nghiệm, kết quả ghi nhận được là các tế bào Ung thư trong ống nghiệm đã tự phân hủy, tự tiêu diệt dưới tác dụng của tinh dầu Sả. Đây là một khám phá rất quan trọng và đầy khích lệ cho việc phòng chống Ung thư, một căn bệnh ngày càng trở nên phổ biến trong điều kiện sinh sống và môi trường nhiều nguy cơ mắc bệnh như hiện nay.
Trong cuộc khảo sát trên, một phát hiện quan trọng khác là Sả dù thúc đẩy quá trình tự hủy của các tế bào ung thư, mà vẫn không gây một tác hại nào đến các tế bào lành mạnh. Các nhà khoa học trên đã để chung hai loại tế bào trên vào cùng một ống nghiệm. Sau đó cho tinh dầu Sả vào, thì chỉ thấy các tế bào Ung thư bị phân hủy, còn các tế bào lành mạnh vẫn “sống vui sống mạnh” như thường. Từ kết quả nghiên cứu trên, các bác sĩ đã khuyên các bệnh nhân ung thư theo đuổi một liệu trình hằng ngày như sau:
Dùng 1 gram Sả tươi, trụn với nước sôi 15 phút trước khi uống. Mỗi ngày cần uống đến 8 lần, cách 2 giờ đồng hồ một lần.
Tất nhiên là các bác sĩ cũng khuyên bệnh nhân vẫn giữ các phương pháp điều trị khác như chemotherapy hoặc radiation trong một thời gian qui định của chuyên khoa. Vì với những căn bệnh quái ác như Ung thư, việc phối hợp nhiều phương pháp trị liệu vẫn là một chọn lựa tốt hơn, thay vì chỉ dùng một phương pháp mà thôi. Khám phá trên đã được đăng tải trên tạp chí khoa học mang tên Planta Medica, đồng thời được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông tại Do Thái.

E/ KẾT LUẬN:
Từ những kinh nghiệm dân gian cũng như chuyên khoa Đông y và gần đây là những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, Sả trong nhãn quan của hai nền y học truyền thống xưa và nay, quả thật là một dược thảo rất giá trị về cả hai mặt dinh dưỡng cũng như trên thực tế lâm sàng. Những thành quả trị liệu trên đã cho phép chúng ta nói rằng, những kết luận về công dụng thần kỳ của Sả rút ra từ các cuộc khảo sát trên thật không quá lạc quan.

Christopher C. Nguyen, L.Ac., Ph.D.